Quy định cơ chế phối hợp giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
Ngày 03/7/2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 3312/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định cơ chế phối hợp giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân Thành phố làm chủ sở hữu, Quỹ Phát triển nhà ở Thành phố, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố, cụ thể như sau:
* Nguyên tắc phối hợp
1. Phối hợp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan đơn vị để giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân Thành phố làm chủ sở hữu, Quỹ Phát triển nhà ở Thành phố, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố theo đúng quy định tại Nghị định số 61/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Bảo đảm nguyên tắc độc lập, khách quan.
3. Phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan.
4. Đề cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan làm đầu mối và các cơ quan phối hợp.
* Đối tượng giám sát
- Công ty mẹ của các Tổng công ty, Công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con do Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Ủy ban nhân dân Thành phố làm chủ sở hữu;
- Quỹ Phát triển nhà ở Thành phố;
- Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố.
* Nội dung phối hợp
1. Phối hợp trong việc chuẩn bị và trình phê duyệt kế hoạch giám sát tài chính.
2. Phối hợp trong việc triển khai kế hoạch giám sát, công tác trao đổi, phản hồi và đề xuất kế hoạch hành động cho doanh nghiệp.
3. Phối hợp trong công tác trao đổi, chia sẻ và cung cấp thông tin về kết quả giám tài chính, thanh tra, kiểm tra và kiểm toán tại doanh nghiệp.
* Trách nhiệm của Sở Tài chính
1. Làm đầu mối tham mưu thực hiện giám sát tài chính và tổng hợp kết quả giám sát tài chính của các doanh nghiệp.
2. Tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch giám sát tài chính (bao gồm kế hoạch kiểm tra, thanh tra) đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố (trừ các doanh nghiệp đã được đã được Thanh tra thành phố thanh tra, Kiểm toán nhà nước kiểm toán).
3. Chủ trì phối hợp với các Sở ngành kiểm tra báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân Thành phố làm chủ sở hữu (trừ các doanh nghiệp đã được Thanh tra thành phố thanh tra, Kiểm toán nhà nước kiểm toán), kết hợp kết quả báo cáo giám sát tài chính của doanh nghiệp, báo cáo giám sát của các Sở ngành liên quan để làm cơ sở thực hiện giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp.
4. Thực hiện giám sát tài chính doanh nghiệp theo các nội dung quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 158/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính (trừ các nội dung giám sát do các Sở ngành và Ủy ban nhân dân quận huyện thực hiện).
5. Thực hiện giám sát tình hình chấp hành chính sách, pháp luật về tài chính, kế toán của doanh nghiệp.
6. Trình Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện các nội dung quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 158/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
* Trách nhiệm của Thanh tra thành phố
1. Cung cấp cho Sở Tài chính (Chi cục Tài chính doanh nghiệp) Kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp đã được phê duyệt để xây dựng kế hoạch giám sát.
2. Thông tin kết quả thanh tra các doanh nghiệp theo kế hoạch cho Sở Tài chính (Chi cục Tài chính doanh nghiệp) để tổng hợp giám sát.
* Trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước Khu vực IV
1. Cung cấp cho Sở Tài chính (Chi cục Tài chính doanh nghiệp) Kế hoạch kiểm toán các doanh nghiệp đã được phê duyệt để xây dựng kế hoạch giám sát.
2. Thông tin kết quả kiểm toán các doanh nghiệp theo kế hoạch cho Sở Tài chính (Chi cục Tài chính doanh nghiệp) để tổng hợp giám sát.
* Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Thực hiện giám sát doanh nghiệp về tình hình đầu tư tài sản: giám sát tổng mức đầu tư và nguồn vốn huy động để đầu tư của từng dự án; tình hình thực hiện các dự án đầu tư theo quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; đánh giá về tiến độ thực hiện dự án so với kế hoạch, tiến độ giải ngân dự án so với kế hoạch; tình hình chấp hành pháp luật về đầu tư; tình hình thu hồi giấy phép đầu tư và các quy định về quản lý đầu tư; các điều chỉnh về mục tiêu, quy mô vốn, tiến độ và chủ đầu tư trong kỳ của các dự án đầu tư.
2. Phối hợp với Sở Tài chính thực hiện giám sát tình hình đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp : giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc góp vốn, đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của công ty.
3. Thông tin về các nội dung giám sát cho Sở Tài chính (Chi cục Tài chính doanh nghiệp) để tổng hợp.
* Trách nhiệm của Cục Thuế Thành phố
1. Thực hiện giám sát doanh nghiệp về tình hình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
2. Thực hiện giám sát tình hình chấp hành chính sách, pháp luật về thuế của các doanh nghiệp.
3. Thông tin về các nội dung giám sát cho Sở Tài chính (Chi cục Tài chính doanh nghiệp) để tổng hợp.
* Trách nhiệm của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
1. Thực hiện giám sát doanh nghiệp việc thực hiện các chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp, trong đó có các nội dung về lao động, tiền lương, thu nhập của người lao động; tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Viên chức quản lý doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
2. Thông tin về các nội dung giám sát cho Sở Tài chính (Chi cục Tài chính doanh nghiệp) để tổng hợp.
* Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Giám sát tình hình thực hiện các sản phẩm dịch vụ công ích theo các chỉ tiêu số lượng, giá trị và chất lượng; doanh thu và chi phí phát sinh liên quan đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích trong kỳ so với kế hoạch và qua các kỳ thuộc lĩnh vực chuyên ngành được giao đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân Thành phố làm chủ sở hữu, các công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Thành phố.
2. Thực hiện giám sát tình hình giải ngân kinh phí, về thực hiện các quy định về đấu thầu, đặt hàng các sản phẩm dịch vụ công ích thuộc lĩnh vực chuyên ngành được giao.
3. Thông tin về các nội dung giám sát cho Sở Tài chính (Chi cục Tài chính doanh nghiệp) để tổng hợp.
* Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Giám sát tình hình thực hiện các sản phẩm dịch vụ công ích theo các chỉ tiêu số lượng, giá trị và chất lượng; doanh thu và chi phí phát sinh liên quan đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích trong kỳ so với kế hoạch và qua các kỳ thuộc lĩnh vực chuyên ngành được giao đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân Thành phố làm chủ sở hữu, các công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc thành phố.
2. Thực hiện giám sát tình hình giải ngân kinh phí, về thực hiện các quy định về đấu thầu, đặt hàng các sản phẩm dịch vụ công ích thuộc lĩnh vực chuyên ngành được giao.
3. Thực hiện giám sát tiến độ chuyển mục đích sử dụng đất các khu đất theo phê duyệt của Ủy ban nhân dân Thành phố cho doanh nghiệp; việc ký hợp đồng thuê đất theo quy định.
4. Thực hiện giám sát tình hình chấp hành pháp luật liên quan đến việc quản lý sử dụng đất đai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp.
5. Thông tin về các nội dung giám sát cho Sở Tài chính (Chi cục Tài chính doanh nghiệp) để tổng hợp.
* Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Giám sát tình hình thực hiện các sản phẩm dịch vụ công ích theo các chỉ tiêu số lượng, giá trị và chất lượng; doanh thu và chi phí phát sinh liên quan đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích trong kỳ so với kế hoạch và qua các kỳ thuộc lĩnh vực chuyên ngành được giao đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân Thành phố làm chủ sở hữu, các công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Thành phố.
2. Thực hiện giám sát tình hình giải ngân kinh phí, về thực hiện các quy định về đấu thầu, đặt hàng các sản phẩm dịch vụ công ích thuộc lĩnh vực chuyên ngành được giao.
3. Thông tin về các nội dung giám sát cho Sở Tài chính (Chi cục Tài chính doanh nghiệp) để tổng hợp.
* Trách nhiệm của Sở Xây dựng
1. Thực hiện giám sát tình hình quản lý, sử dụng và cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân Thành phố làm chủ sở hữu, các công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Thành phố được giao tạm quản lý và giữ hộ.
2. Thực hiện giám sát tình hình chấp hành pháp luật trong lĩnh vực xây dựng của các doanh nghiệp.
3. Thông tin về các nội dung giám sát cho Sở Tài chính (Chi cục Tài chính doanh nghiệp) để tổng hợp.
* Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các quận, huyện
1. Giám sát tình hình thực hiện các sản phẩm dịch vụ công ích theo các chỉ tiêu số lượng, giá trị và chất lượng; doanh thu và chi phí phát sinh liên quan đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích trong kỳ so với kế hoạch và qua các kỳ trên địa bàn quận, huyện đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân Thành phố làm chủ sở hữu, các công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Thành phố.
2. Thực hiện giám sát tình hình giải ngân kinh phí, về thực hiện các quy định về đấu thầu, đặt hàng các sản phẩm dịch vụ công ích trên địa bàn quận, huyện.
3. Thông tin về các nội dung giám sát cho Sở Tài chính (Chi cục Tài chính doanh nghiệp) để tổng hợp.
- Đề cương Đề án Tái cấu trúc kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2020(28/07/2014)
- Đổi tên thành Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Hóc Môn(28/07/2014)
- Điều chỉnh và bổ sung một số điều của Quyết định thành lập Văn phòng Biến đổi ...(28/07/2014)
- Thành lập “Tổ nghiên cứu Đề cương lập Quy hoạch kho bãi tập trung trên địa ...(28/07/2014)
- Đối thoại giữa chính quyền Thành phố với doanh nghiệp công nghệ thông tin - ...(28/07/2014)
- Quy định quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy (28/07/2014)
- Điều lệ của Liên đoàn Võ Cổ truyền (28/07/2014)
- Kiện toàn nhân sự Tổ Công tác triển khai việc xây dựng Đề án xác định Vị trí ...(28/07/2014)
- Đề án Thí điểm điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV bằng phương thức xã hội hóa(28/07/2014)
- Thông báo về tổ chức sự kiện Đường Hoa và Đường Sách Tết Ất Mùi 2015(28/07/2014)