Chương trình Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề công nhân, người lao động trong doanh nghiệp
Ngày 24/5/2012, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 2675/QĐ-UBND về ban hành Chương trình Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề công nhân, người lao động trong doanh nghiệp, cụ thể như sau:
* MỤC TIÊU
Bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho công nhân, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố giúp nâng cao khả năng tương thích với yêu cầu mới của sản xuất kinh doanh; tăng hiệu suất lao động, chất lượng sản phẩm, ổn định việc làm góp phần mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như công nhân và người lao động để đến cuối năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp làm việc tại các doanh nghiệp đạt 70% trở lên.
* ĐỐI TƯỢNG
Là công nhân và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tại thành phố.
* NỘI DUNG
a) Đào tạo: Đối với công nhân chưa được đào tạo qua trường lớp trước khi vào làm tại doanh nghiệp.
Nội dung đào tạo là cung cấp kiến thức căn bản về nghề, công việc đang làm và kỹ năng cần thiết, đúng quy trình, yêu cầu kỹ thuật - công nghệ; có khả năng sử dụng thành thạo, an toàn thiết bị, dụng cụ trong quá trình thực hiện công việc. Hoàn thành nội dung này, công nhân được cấp chứng chỉ đào tạo theo quy định.
b) Đào tạo lại: Đối với công nhân thay đổi vị trí, nhiệm vụ trong quy trình sản xuất - kinh doanh; hoặc do thay đổi cơ cấu sản phẩm, thay đổi công nghệ, thiết bị, …
Yêu cầu đào tạo lại là giúp công nhân trang bị đủ kiến thức, kỹ năng mới, tương thích quy trình sản xuất, yêu cầu sản phẩm và công nghệ kỹ thuật mới. Sau đào tạo lại, công nhân được cấp chứng chỉ đào tạo theo quy định.
c) Bồi dưỡng nâng cao tay nghề: Giúp công nhân cập nhật, nâng cao tay nghề, nâng cao hiệu quả lao động (năng suất, chất lượng,…). Sau lớp bồi dưỡng, công nhân được cấp chứng nhận bồi dưỡng hoặc chứng nhận bậc nghề.
* BIỆN PHÁP
1. Các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp có dạy nghề (gọi chung là cơ sở dạy nghề):
a) Chủ động liên hệ với các doanh nghiệp:
- Nắm nhu cầu của doanh nghiệp về đào tạo, đào tạo lại; bồi dưỡng nâng bậc thợ, nâng cao tay nghề; bồi dưỡng công nghệ, kỹ thuật mới cho công nhân.
- Phối hợp với bộ phận kỹ thuật của doanh nghiệp xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo theo từng ngành nghề và cấp trình độ phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.
- Thỏa thuận và ký hợp đồng bồi dưỡng, đào tạo với doanh nghiệp; báo cáo đăng ký tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo cho công nhân theo chương trình đã thỏa thuận với doanh nghiệp (tại cơ sở dạy nghề và tại doanh nghiệp).
b) Phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thi/kiểm tra công nhận tốt nghiệp, xác nhận bậc thợ cho công nhân.
c) Cấp chứng nhận bậc thợ, chứng chỉ đào tạo nghề cho công nhân.
d) Báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả thực hiện.
2. Các doanh nghiệp:
a) Hàng năm, tùy tình hình cụ thể, tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề, bậc thợ để cấp chứng chỉ, chứng nhận cho công nhân làm việc tại doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tự tổ chức được thì phối hợp với cơ sở dạy nghề để tổ chức thực hiện theo nội dung sau:
- Cung cấp và tạo điều kiện để cơ sở dạy nghề nắm nhu cầu đào tạo; đào tạo lại; bồi dưỡng nâng bậc thợ, nâng cao tay nghề công nhân của doanh nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động đăng ký tham gia.
- Phối hợp với cơ sở dạy nghề xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo theo từng ngành nghề và cấp trình độ.
- Thỏa thuận và ký hợp đồng đào tạo với cơ sở dạy nghề và tạo điều kiện cho cơ sở dạy nghề được sử dụng cơ sở vật chất của doanh nghiệp để phục vụ cho quá trình bồi dưỡng, đào tạo.
- Cử chuyên gia phối hợp quản lý và tham gia hướng dẫn thực hành, thực tập cho người học.
- Phối hợp với cơ sở dạy nghề tổ chức thi/kiểm tra công nhận tốt nghiệp, xác nhận bậc thợ cho công nhân.
b) Báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao tay nghề, bậc thợ tại doanh nghiệp.
3. Các hình thức đào tạo:
a) Đào tạo, đào tạo lại theo chương trình sơ cấp nghề hoặc dạy nghề thường xuyên theo chương trình không chính quy:
Cơ sở dạy nghề chịu trách nhiệm thực hiện theo chương trình đã xây dựng, thống nhất với doanh nghiệp và đăng ký tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc chứng chỉ hoàn thành khóa học cho người học theo quy định khi tốt nghiệp.
b) Bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ; bổ sung kiến thức, kỹ năng:
Cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp phối hợp xây dựng chương trình, tổ chức bồi dưỡng. Cơ sở dạy nghề cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học (theo mẫu do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn).
c) Bồi dưỡng nâng bậc thợ: Cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp phối hợp xây dựng chương trình, tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra xác nhận bậc thợ. Cơ sở dạy nghề hoặc doanh nghiệp cấp chứng nhận bậc thợ (theo mẫu do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn).
Nguyên Ngân
- Nâng mức kinh phí phụng dưỡng hàng tháng cho các mẹ Việt Nam anh hùng(28/05/2012)
- Điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư phường Tân ...(24/05/2012)
- Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư đường Hồ Văn ...(24/05/2012)
- Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 chỉnh trang khu dân cư hiện hữu ...(24/05/2012)
- Điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị khu dân cư phường ...(24/05/2012)
- Chủ trương bồi thường, hỗ trợ đối với các dự án nâng cấp, mở rộng hẻm trên ...(24/05/2012)
- Đơn giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ trong Dự án xây dựng nâng cấp sửa chữa ...(24/05/2012)
- Kế hoạch triển khai, tổ chức Tháng hành động Vì trẻ em năm 2012(23/05/2012)
- Đổi tên Trường Trung cấp tư thục Điều dưỡng và Kỹ thuật Y tế Hồng Đức thành ...(23/05/2012)
- Kế hoạch tổ chức hoạt động hè năm 2012(23/05/2012)