Quy định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Ngày 14/4/2014, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ban hành Quy định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cụ thể như sau:
* Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận (01 bộ)
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
2. Bản sao (có xác nhận của cơ sở) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu có).
3. Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm (có xác nhận của cơ sở), bao gồm:
a) Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng của cơ sở và khu vực xung quanh;
b) Sơ đồ quy trình chế biến, bảo quản thức ăn và bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở.
4. Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm:
a) Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (có xác nhận của cơ sở);
b) Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách đã được tập huấn (có xác nhận của cơ sở).
5. Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và của người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm; phiếu báo kết quả cấy phân âm tính mầm bệnh gây bệnh đường ruột (tả, lỵ, trực khuẩn và thương hàn) của người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của Bộ Y tế:
a) Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (có xác nhận của cơ sở) ;
b) Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách kết quả khám sức khỏe, xét nghiệm phân của chủ cơ sở và của người tham gia trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm (có xác nhận của cơ sở).
* Thủ tục cấp Giấy chứng nhận
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm thẩm xét hồ sơ, thẩm định cơ sở và cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở có đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận như sau:
1. Thẩm xét hồ sơ:
a) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thẩm xét tính hợp lệ của hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho cơ sở nếu hồ sơ không hợp lệ;
b) Nếu quá 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hồ sơ không hợp lệ nếu cơ sở không có phản hồi hay bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ hủy hồ sơ.
2. Thẩm định cơ sở:
a) Sau khi có kết quả thẩm xét hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định cơ sở trong vòng 10 ngày làm việc. Trường hợp ủy quyền thẩm định cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền cấp dưới phải có văn bản ủy quyền;
b) Đoàn thẩm định cơ sở:
- Đoàn thẩm định cơ sở do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc cơ quan được ủy quyền thẩm định ra quyết định thành lập;
- Đoàn thẩm định điều kiện cơ sở gồm từ 3 đến 5 người trong đó phải có ít nhất 2/3 số thành viên là cán bộ làm công tác chuyên môn về an toàn thực phẩm;
- Trưởng đoàn thẩm định chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định cơ sở.
c) Nội dung thẩm định cơ sở:
Đối chiếu thông tin và thẩm định tính pháp lý của hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận với hồ sơ gốc lưu tại cơ sở theo quy định; thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở theo quy định và ghi vào mẫu biên bản ban hành kèm theo Quy định này (Mẫu 3).
3. Cấp giấy chứng nhận:
a) Trường hợp cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận theo mẫu ban hành kèm theo Quy định này (Mẫu 4);
b) Trường hợp cơ sở chưa đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phải chờ hoàn thiện phải ghi rõ nội dung và thời gian hoàn thiện nhưng không quá 60 ngày. Đoàn thẩm định tổ chức thẩm định lại khi cơ sở có văn bản xác nhận đã hoàn thiện đầy đủ các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm của đoàn thẩm định lần trước;
c) Trường hợp cơ sở không đạt yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý địa phương để giám sát và yêu cầu cơ sở không được hoạt động cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận. Cơ sở phải nộp lại hồ sơ để được xem xét cấp Giấy chứng nhận theo quy định.
* Cấp đổi Giấy chứng nhận
1. Cấp đổi Giấy chứng nhận trong các trường hợp sau:
a) Giấy chứng nhận chỉ được đổi khi còn thời hạn;
b) Khi thay đổi tên của doanh nghiệp hoặc/và đổi chủ cơ sở, thay đổi địa chỉ nhưng không thay đổi vị trí và toàn bộ quy trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
2. Hồ sơ đề nghị đổi (01 bộ) gồm những giấy tờ có xác nhận của cơ sở như sau:
a) Đơn đề nghị đổi/ cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo Mẫu 2);
b) Biên bản thẩm định gần nhất (Bản sao có xác nhận của cơ sở);
c) Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Bản gốc);
d) Văn bản hợp pháp thể hiện sự thay đổi tại Điểm b, Khoản 1 của Điều này (Bản sao công chứng);
đ) Giấy xác nhận đủ sức khỏe, tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở mới đối với trường hợp thay đổi tên chủ cơ sở (Bản sao có xác nhận của cơ sở).
3. Trong thời gian 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm cấp đổi Giấy chứng nhận cho cơ sở; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho cơ sở lý do không cấp đổi Giấy chứng nhận.
* Thu hồi Giấy chứng nhận
1. Giấy chứng nhận sẽ bị thu hồi trong những trường hợp sau:
a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không hoạt động ngành nghề kinh doanh thực phẩm đã đăng ký;
b) Có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đổi ngành nghề kinh doanh tại cơ sở cũ;
c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
2. Thẩm quyền thu hồi:
a) Cơ quan cấp Giấy chứng nhận có quyền thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp;
b) Cơ quan có thẩm quyền cấp trên có quyền thu hồi Giấy chứng nhận do cơ quan cấp dưới cấp.
* Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận
1. Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố cấp giấy chứng nhận cho:
a) Dịch vụ ăn uống do cơ quan chức năng Trung ương và Thành phố cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Dịch vụ ăn uống do cơ quan chức năng quận - huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng có quy mô cung cấp từ 300 suất ăn/ngày trở lên;
c) Cơ sở cung cấp suất ăn sẵn;
d) Dịch vụ ăn uống trong các bệnh viện, khu chế xuất và khu công nghiệp;
e) Bếp ăn tập thể, căn tin trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.
2. Ủy ban nhân dân quận - huyện hoặc cơ quan chức năng được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận cho:
a) Dịch vụ ăn uống có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do quận - huyện cấp hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô cung cấp từ 100 đến dưới 300 suất/ngày;
b) Bếp ăn tập thể trong các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông;
c) Dịch vụ nấu thuê đám tiệc di động.
3. Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn cấp giấy chứng nhận cho dịch vụ ăn uống có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có công suất cung cấp dưới 100 suất ăn/ngày.
* Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
1. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm.
2. Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục kinh doanh. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được thực hiện theo quy định tại Điều 4, 5 của Quy định này.
* Kiểm tra sau cấp Giấy chứng nhận
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận và cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện kiểm tra sau cấp Giấy chứng nhận:
1. Kiểm tra định kỳ:
a) Không quá 02 (hai) lần/năm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp Giấy chứng nhận;
b) Không quá 03 (ba) lần/năm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Ủy ban nhân dân quận - huyện cấp Giấy chứng nhận;
c) Không quá 04 (bốn) lần/năm đối với đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố do Ủy ban nhân dân xã - phường, thị trấn quản lý hoặc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
2. Kiểm tra đột xuất:
Cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra đột xuất nếu xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm liên quan, các đợt kiểm tra cao điểm theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên.
Lam Điền
- Quy hoạch phát triển ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh(17/04/2014)
- Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược, Chương trình quốc gia về Bình đẳng ...(17/04/2014)
- Ban Chỉ đạo các kỳ thi tốt nghiệp năm học 2013 - 2014 và tuyển sinh năm học ...(17/04/2014)
- Ban Chỉ đạo và Tổ Chuyên viên giúp việc thực hiện Kế hoạch tuyên truyền phổ ...(17/04/2014)
- Trường Mầm non Măng Non 1, Quận 10 đạt chuẩn quốc gia, mức độ 1(17/04/2014)
- Trường Mầm non Bình Thọ, quận Thủ Đức đạt chuẩn quốc gia, mức độ 1(17/04/2014)
- Bắn pháo hoa chào mừng kỷ niệm 39 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, ...(17/04/2014)
- Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2014(17/04/2014)
- Công bố thủ tục hành chính lĩnh vực Hành chính tư pháp mới ban hành; sửa đổi, ...(17/04/2014)
- Thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Quận 2 (17/04/2014)