Quy định điều kiện an toàn hoạt động của phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 01 tấn hoặc có sức chở dưới 05 người
Ngày 10/01/2013, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND về quy định điều kiện an toàn hoạt động của phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 01 tấn hoặc có sức chở dưới 05 người, cụ thể như sau:
* Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quyết định này quy định điều kiện an toàn, cách xác định kích thước cơ bản, xác định sức chở, cách sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 01 tấn hoặc có sức chở dưới 05 người (phương tiện không thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm).
2. Quyết định này không áp dụng đối với các phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá, thể thao.
3. Hạn chế việc sử dụng bè (là phương tiện được ghép lại bằng tre, nứa, gỗ hoặc các vật nổi khác) để di chuyển trên đường thủy nội địa thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
* Xác định kích thước cơ bản, xác định sức chở của phương tiện, sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện
1. Xác định kích thước cơ bản của phương tiện:
a) Chiều dài lớn nhất (Lmax): Tính bằng mét, đo theo chiều dọc trên boong ở mặt phẳng dọc tâm từ mút lái đến mút mũi phương tiện;
b) Chiều rộng lớn nhất (Bmax): Tính bằng mét, đo theo chiều ngang trên boong ở mặt cắt rộng nhất của phương tiện;
c) Chiều cao mạn (D): Tính bằng mét, đo từ đáy phương tiện đến mép boong tại vị trí giữa chiều dài lớn nhất.
2. Xác định sức chở của phương tiện:
a) Đối với phương tiện chở hàng: Sức chở là khi hàng hóa, vật dụng cần thiết, người lái phương tiện (đến dưới 1 tấn) được xếp trực tiếp và cân bằng trên phương tiện ứng mạn khô của phương tiện tính từ mép boong trên đến mép nước phải đảm bảo 100mm;
b) Đối với phương tiện chở người: Sức chở là số người (từ 01 người đến 04 người) được xếp đủ chỗ ngồi và cân bằng trên phương tiện ứng mạn khô của phương tiện tính từ mép boong trên đến mép nước phải đảm bảo 200 mm.
3. Sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện:
Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn bằng một vạch sơn có màu khác với màu sơn mạn phương tiện, vạch sơn có chiều rộng 25mm, chiều dài 250mm nằm ngang trên hai bên mạn tại vị trí giữa của chiều dài Lmax; cách mép boong 100mm đối với phương tiện chở hàng; cách mép boong 200mm đối với phương tiện chở người.
* Điều kiện an toàn
1. Thân phương tiện phải liền, chắc chắn, không bị thủng, không bị rò nước vào bên trong; phương tiện phải thắp một đèn có ánh sáng trắng ở nơi dễ nhìn khi hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người, phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện và có đủ dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở trên phương tiện.
2. Phương tiện thủy nội địa thô sơ di chuyển bằng sức người phải có ít nhất 2 mái chèo; mái chèo phải chắc chắn, có độ dẻo, đàn hồi chịu lực để đẩy phương tiện. Đối với phương tiện di chuyển bằng sức gió phải có bánh lái, cột buồm vững chắc, giữ được ổn định phương tiện. Phương tiện di chuyển bằng sức nước phải có bánh lái.
3. Phương tiện phải được sơn vạch dấu mớn nước an toàn và không được chở người, chở hàng quá vạch mớn nước an toàn tương ứng.
* Điều kiện, vùng hoạt động của phương tiện
1. Có Bản kê khai điều kiện an toàn của phương tiện đã được xác nhận của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn.
2. Vùng hoạt động: Hoạt động ven bờ, cách xa tim luồng và cách mép bờ không quá 30m, đối với trường hợp di chuyển dọc tuyến; Không chạy trên sông, kênh, rạch có bề rộng lớn hơn 100m, đối với trường hợp di chuyển ngang tuyến.
3. Người lái phương tiện phải đủ 15 tuổi trở lên, đủ sức khỏe, biết bơi, đã học tập pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và được cấp giấy chứng nhận. Trường hợp sử dụng phương tiện vào mục đích kinh doanh thì độ tuổi của người lái phương tiện phải đủ 18 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam.
* Trách nhiệm của chủ phương tiện
1. Đo kích thước cơ bản, xác định sức chở, sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu đo; cung cấp số liệu nêu trên cho Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn.
2. Có trách nhiệm duy trì và bảo đảm các điều kiện an toàn của phương tiện theo quy định khi phương tiện hoạt động; trang bị đầy đủ số lượng áo phao hoặc dụng cụ nổi cá nhân khi tham gia giao thông.
3. Không giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện.
4. Thông báo với Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn để xóa tên trong sổ theo dõi, quản lý đối với phương tiện giải bản.
* Trách nhiệm của cơ quan quản lý
1. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có trách nhiệm:
a) Phổ biến, thông báo cho chủ phương tiện biết để thực hiện trách nhiệm của mình tại Quyết định này. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, quy định về phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn, vệ sinh môi trường và các quy định khác có liên quan trên phạm vi địa bàn quản lý. Hướng dẫn chủ phương tiện xác định số liệu.
b) Thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn, tình hình hoạt động của phương tiện trên địa bàn; vào sổ theo dõi, quản lý của địa phương.
c) Định kỳ 06 tháng một lần, báo cáo tình hình hoạt động của các phương tiện trên địa bàn cho Ủy ban nhân dân quận, huyện.
2. Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm:
a) Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và các quy định khác có liên quan trên phạm vi địa bàn quản lý. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết, cứu hộ, cứu nạn các sự cố, tai nạn giao thông đường thủy nội địa (nếu có) đối với các loại phương tiện thủy nội địa thô sơ theo thẩm quyền thuộc địa bàn quản lý.
b) Kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện các quy định tại Quyết định này. Định kỳ 06 tháng một lần, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời gửi Sở Giao thông vận tải theo dõi, tổng hợp.
3. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn trong việc triển khai thực hiện khi có yêu cầu; tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vấn đề có liên quan trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của thành phố; tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ lái phương tiện, giấy chứng nhận học tập pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cho người lái phương tiện. Tổ chức thực hiện công tác đào tạo, cấp chứng chỉ lái phương tiện, giấy chứng nhận học tập pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cho người lái phương tiện.
4. Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tùy chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm được nêu tại Điểm c Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 60/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Lam Điền
- Chỉ thị về tăng cường quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ an toàn công ...(14/01/2013)
- Phân cấp quản lý thu và tỷ lệ phân chia các khoản thu thuế sử dụng đất phi ...(14/01/2013)
- Biểu giá chuẩn về suất vốn đầu tư phần xây dựng công trình trên địa bàn thành ...(14/01/2013)
- Bắn pháo hoa dịp Tết Quý Tỵ 2013(14/01/2013)
- Chương trình ca nhạc gây quỹ chăm lo Tết cho người nghèo(14/01/2013)
- Giải Quần vợt vô địch U14 Châu Á năm 2012, nhóm 2 năm 2013(14/01/2013)
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 48/2011/QĐ-UBND của UBND thành ...(04/01/2013)
- Đề án xây dựng nông thôn mới xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè giai đoạn 2012 - 2015(04/01/2013)
- Đề án xây dựng nông thôn mới xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi giai đoạn 2012 - ...(04/01/2013)
- Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (quy hoạch phân khu) tỷ lệ 1/2000 khu dân ...(04/01/2013)