Quy định quản lý không gian kiến trúc cảnh quan Trục đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt
Ngày 10/3/2014, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 1067/QĐ-UBND về duyệt đồ án thiết kế đô thị (riêng) tỷ lệ 1/2000 và Quy định quản lý không gian kiến trúc cảnh quan Trục đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt, cụ thể như sau:
* Vị trí, phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực quy hoạch:
- Vị trí: Khu vực nghiên cứu từ khu vực Cột cờ Thủ Ngữ đến điểm giao gữa Quốc lộ 1A với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, qua khu vực Quận 1, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 8 và quận Bình Tân.
- Ranh giới khu vực nghiên cứu: Trong phạm vi hành lang khoảng 150m - 200m tính từ ranh lộ giới hai bên tuyến đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt.
- Tổng diện tích khu vực quy hoạch: 650,96 ha.
- Chiều dài tuyến: 13,54 km.
- Tính chất của khu vực quy hoạch: Trục hành lang đô thị sông nước gắn kết với hệ thống giao thông xuyên tâm và giao thông công cộng.
* Tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị:
a) Trên cơ sở phân tích đánh giá các giá trị đô thị và các tiềm năng phát triển chính, khu vực nghiên cứu được định hướng phát triển tuyến tính với các khu vực phát triển quan trọng đóng vai trò là động lực cải tạo đô thị trên toàn tuyến:
- Các khu vực phát triển quan trọng được xác định là nơi tập trung các dự án đầu tư hạ tầng và các dự án đầu tư bất động sản hoặc các khu vực có tính chất chuyên biệt, có chức năng đô thị rõ nét, những nơi sẽ hình thành các công trình điểm nhấn.
- Các khu vực có tính chất đặc trưng chuyên biệt có mối liên hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau trong tổng thể của một hành lang đô thị. Theo đó, hành lang này sẽ hỗ trợ hoạt động hiệu quả cho đô thị thông qua việc cung cấp khả năng tiếp cận và liên hệ thuận lợi giữa các khu vực chức năng, tăng cường khả năng tiếp cận đến các khu vực có chức năng hỗn hợp, thương mại dịch vụ, hệ thống không gian mở và hệ thống hạ tầng dịch vụ xã hội trên dọc tuyến, cung cấp đầy đủ các tiện ích đô thị đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân Thành phố.
b) Quy định về kiến trúc cảnh quan hướng đến một hình ảnh đô thị hài hòa giữa các yếu tố cũ và mới, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, khai thác các giá trị vốn có và tiềm năng phát triển của đô thị; khuyến khích bảo tồn di sản, tạo dựng không gian mở công cộng và đáp ứng khả năng phát triển trong tương lai:
- Các công trình điểm nhấn được xác định tại những vị trí đón các hướng nhìn chính, với chiều cao và hình thức kiến trúc phù hợp với đặc thù từng khu vực, gắn kết với tổng thể kiến trúc xung quanh hoặc sử dụng hình thức tương phản nhưng không đối lập. Khoảng lùi và mật độ xây dựng được xác định nhằm tạo nên không gian mở của công trình kết nối với không gian công cộng, góp phần bổ sung không gian mở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho khu vực.
- Các khu vực dân cư hiện hữu được quy định chiều cao, khoảng lùi, mật độ và hình thức kiến trúc căn cứ vào các quy định hiện hành, dựa theo các chỉ tiêu trung bình của hiện trạng khu vực nhằm tạo sự đồng bộ về tầng cao và hình thức kiến trúc.
- Các dự án xây dựng mới được quy định các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng căn cứ theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam QCXDVN 01/2008/BXD và các quy định pháp lý hiện hành của từng khu vực.
- Các công trình, các khu vực di sản và đề nghị bảo tồn được phát huy giá trị vật thể và phi vật thể cho hệ thống công trình này, với các yêu cầu cho không gian xung quanh khu vực bảo tồn đặc biệt là các dự án phát triển mới và các dự án cải tạo đô thị. Các giải pháp hỗ trợ cho hoạt động của công trình đảm bảo hài hòa về kiến trúc cảnh quan, đảm bảo khả năng tiếp cận đến hệ thống công trình bảo tồn, đặc biệt là khả năng tiếp cận của khách bộ hành bằng cách cải thiện không gian vỉa hè của các công trình bảo tồn. Về mặt kiến trúc cảnh quan, những công trình thuộc vùng ảnh hưởng của công trình bảo tồn cần có khối tích, chiều cao, hình thức kiến trúc hài hòa với công trình bảo tồn, tránh sao chép nguyên trạng.
c) Khu vực có bốn dạng không gian mở: không gian mở dọc theo kênh, không gian mở dọc các trục đường, công viên và không gian mở trong nội bộ các ô phố:
- Không gian mở dọc theo kênh: hình thành một không gian thích hợp tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoài trời cho người dân trong khu vực cũng như các hoạt động du lịch. Tăng cường khả năng liên kết hai bên bờ kênh và tổ chức các hoạt động ngoài trời.
- Không gian mở dọc các trục đường, bao gồm các loại không gian:
+ Khu vực thương mại dịch vụ: Không gian đường phố có các tiện ích phục vụ các hoạt động mua sắm, giao thương với vỉa hè, lối đi có mái che (thường là khoảng lùi vào ở tầng trệt của các công trình thương mại), ghế ngồi,…, mặt tiền đường phố bắt mắt và tạo cảm giác an toàn, ấm cúng.
+ Khu vực văn phòng: tạo những không gian phục vụ nghỉ ngơi, giải trí và giao tiếp xã hội.
+ Khu vực dân cư: không gian đường phố thân thiện, an toàn, và có bản sắc riêng của mỗi cộng đồng dân cư.
+ Không gian công viên: có chức năng là công viên văn hóa - thể thao - vui chơi giải trí đa chức năng, đồng thời kết hợp phát triển du lịch với tuyến du lịch dọc theo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Hệ thống công trình phụ trợ, các tiện ích công cộng cũng như các thiết kế kiến trúc, nghệ thuật cộng đồng có tỷ lệ tương thích với con người và với cảnh quan xung quanh, tạo cảm giác thân thiện và gần gũi với thiên nhiên, tạo thành hệ thống hành lang xanh có khả năng thoát nước bề mặt cao cùng với hệ thống hồ điều hòa làm tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho khu vực.
- Không gian mở trong nội bộ các ô phố: đề án không đi vào chi tiết thiết kế, tuy nhiên, bố trí hệ thống không gian mở nội bộ giúp hình thành các đường đi bộ có khả năng liên kết giữa các khu vực chức năng, các nhà ga tuyến xe buýt nhanh (BRT) và các khu vực dân cư, các khu vực chức năng sử dụng đất hỗn hợp.
* Định hướng phát triển giao thông đô thị:
- Định hướng hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, tăng cường khả năng kết nối liên khu vực và khả năng tiếp cận đến các khu vực chức năng.
- Phát triển giao thông công cộng, tích hợp hiệu quả với phương án sử dụng đất và với các loại hình giao thông khác, tăng cường hiệu quả sử dụng, kích thích phát huy vai trò của giao thông công cộng trong hệ thống giao thông Thành phố.
- Phát triển giao thông đường thủy, phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa và phát triển du lịch đường sông, đồng thời tích hợp với hệ thống giao thông công cộng. Các bến giao thông thủy gắn với nhu cầu và tiềm năng phát triển du lịch và thị trường đi lại.
- Phát triển hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho việc kết nối hiệu quả với hệ thống giao thông hiện hữu và hệ thống giao thông công cộng theo quy hoạch.
1. Mạng lưới đường bộ:
- Tuyến đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt vừa mang tính chất của một trục đường chính nội đô, vừa mang tính chất giao thông nhanh, nối phía Đông và phía Tây Thành phố. Tính chất tuyến giao thông đã lưu ý tính kết nối vùng hiệu quả, đồng thời gia tăng khả năng nối kết và tiếp cận từ các khu dân cư dọc hai bên đường với khu vực không gian mở dọc theo bờ kênh.
- Theo đó, định hướng phát triển mạng lưới đường bộ xác định chức năng của các tuyến giao thông, bao gồm: chức năng kết nối vùng, chức năng kết nối khu vực, chức năng tiếp cận khu vực. Ngoài ra, phát triển giao thông đi bộ bằng hệ thống đường đi bộ và đường ưu tiên đi bộ, tăng cường kết nối đi bộ giữa hai bờ kênh và kết nối các trạm dừng, bến bãi hệ thống xe buýt nhanh (BRT) với các công trình thương mại dịch vụ; hạ tầng dịch vụ; tiện ích đô thị; các công trình phúc lợi xã hội và trung tâm của các khu dân cư.
- Trên cơ sở định hướng giao thông toàn tuyến, quy định về phát triển giao thông cho từng khu vực cụ thể, sẽ đề xuất được các giải pháp kỹ thuật cần thiết nhằm đáp ứng mục tiêu về giao thông của toàn tuyến. Tại các nút giao có cầu đi qua đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt, kết hợp các dự án xây dựng mới hoặc cải tạo các ô phố lân cận, đề xuất các giải pháp giao thông hiệu quả để tăng cường khả năng tiếp cận và kết nối giữa các trục Bắc - Nam với trục đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt và kết nối các dịch vụ giao thông công cộng và các hình thức giao thông khác với nhau.
2. Hệ thống giao thông công cộng:
- Kết nối tích hợp các loại hình giao thông công cộng (đường bộ, đường thủy và hệ thống xe buýt nhanh) bằng việc xem xét vị trí các nhà ga, trạm dừng trung chuyển hợp lý.
- Định hướng phân khu chức năng và định hướng sử dụng đất đã tích hợp tuyến hệ thống xe buýt nhanh trong nghiên cứu tổng thể và đề ra các giải pháp. Theo đó, Quy định thiết kế đô thị (riêng) cho từng khu vực cụ thể chú ý đến khả năng tiếp cận đến hệ thống bến trạm đảm bảo hiệu quả về thời gian, an toàn, hấp dẫn người sử dụng.
3. Hệ thống giao thông đường thủy:
Các tuyến buýt (taxi) đường thủy dọc hệ kênh Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ và kênh Tàu Hủ, các kênh ngang,... nối kết với các tuyến du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn. Xác định một số vị trí bến du thuyền gắn với các khu vực Văn hóa lịch sử và các trung tâm mua sắm dịch vụ thương mại phục vụ du khách.
4. Hệ thống hạ tầng hỗ trợ:
- Thiết lập hệ thống hạ tầng phụ trợ hỗ trợ hoạt động hiệu quả cho hệ thống giao thông, cụ thể là hệ thống bãi đậu xe, hệ thống bến thuyền, hệ thống cầu đi bộ.
- Hệ thống bãi đậu xe: bao gồm bãi đậu xe công cộng và bãi đậu xe tư nhân.
- Bãi đậu xe công cộng:
+ Phát triển bãi đậu xe công cộng ở những quỹ đất công như không gian dưới công viên, không gian bên dưới mặt đường và ở những công trình công cộng.
+ Phát triển bãi xe có nghiên cứu nhu cầu, nghiên cứu khả thi về mặt tài chính và kỹ thuật xây dựng, kết hợp hiệu quả với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng.
+ Nghiên cứu tạo nguồn vốn cho các bãi xe công cộng nói riêng và hệ thống hạ tầng nói chung trong đề xuất thiết kê đô thị cho từng khu vực.
- Bãi đậu xe tư nhân:
+ Các công trình công cộng, công trình phức hợp, công trình nhà ở cao tầng có phương án bãi đậu xe phục vụ đủ nhu cầu cho nội bộ khu vực.
+ Trong một số trường hợp cụ thể, chủ đầu tư các dự án cần đầu tư thêm chỗ để xe tại khu đất hoặc ở khu vực công cộng lân cận nhằm san sẻ hạ tầng với các khu vực xung quanh, đảm bảo hiệu quả hoạt động cho toàn khu vực trên cơ sở thương lượng quyền lợi và trách nhiệm với quản lý dự án.
- Hệ thống bến thuyền:
+ Hệ thống bến thuyền được đầu tư song song với hệ thống giao thông đường thủy theo từng phân đoạn phát triển khác nhau, kết hợp bến hành khách và bến du lịch.
+ Phát triển bến thuyền đã nghiên cứu nhu cầu, nghiên cứu khả thi về mặt tài chính và kỹ thuật xây dựng, kết hợp hiệu quả với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông đường bộ nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng.
+ Hệ thống cầu đi bộ: Dựa trên phát triển mạng lưới đường bộ như trên, quy định thiết kế đô thị (riêng) tại các khu vực cụ thể sẽ đề ra các giải pháp kỹ thuật và tài chính sơ bộ cho hệ thống cầu đi bộ.
* Những hạng mục ưu tiên đầu tư:
1. Hạng mục về giao thông và hạ tầng kỹ thuật:
- Thiết lập các tuyến xe buýt nhanh (BRT) kết nối với các tuyến giao thông công cộng hiện hữu.
- Đẩy nhanh tiến độ dự án cầu Bình Tiên.
- Khuyến khích đầu tư các vị trí cầu bộ hành trọng điểm gắn kết với các trạm dừng tuyến xe buýt nhanh (BRT).
- Cải tạo chỉnh trang các cầu đi bộ hiện hữu, các tuyến bộ hành, tăng khả năng kết nối cho tuyến xe buýt nhanh (BRT).
- Hoàn thiện các bến du thuyền và khai thác du lịch và giao thông đường thủy.
2. Hạng mục về không gian mở:
- Tiếp tục tiến hành nạo vét kênh rạch, cải thiện môi trường nước và khu dân cư 2 bên bờ kênh.
- Chỉnh trang, củng cố và phát huy hệ thống hành lang xanh hiện hữu.
- Lập dự án bảo vệ kênh rạch và mảng xanh cho toàn tuyến.
3. Hạng mục về kiến trúc và di sản:
- Nghiên cứu và ban hành quy chế bảo tồn các kiến trúc có giá trị lịch sử.
- Thiết lập bản vẽ mẫu nhà mặt tiền (thuộc nhà hiện hữu cải tạo) theo quy cách thống nhất.
4. Hạng mục về sử dụng đất:
- Cải tạo chuyển đổi công năng các công trình nhà xưởng bảo tồn phục vụ du lịch.
- Chuyển đổi chức năng sử dụng đất các công trình kho xưởng không còn phù hợp thành các công trình công cộng hoặc công trình phức hợp, thương mại dịch vụ kết hợp ở gắn với kế hoạch chỉnh trang đô thị của Thành phố và các quận.
- Nghiên cứu đề xuất các chính sách khuyến khích đầu tư cho các khu vực trọng điểm.
- Tổ chức thi tuyển kiến trúc các dự án đầu tư xây dựng thuộc các khu đất có tiềm năng, các công trình tạo điểm nhấn.
Nguyên Ngân
- Quy chế tổ chức và hoạt động của lực lượng dân phòng (16/04/2014)
- Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020(16/04/2014)
- Kế hoạch tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 39 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền ...(15/04/2014)
- Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (15/04/2014)
- Kế hoạch triển khai Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng (15/04/2014)
- Kế hoạch tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng, kiểm tra văn bản ...(15/04/2014)
- Cuộc thi chó giống Phú Quốc lần 1 (15/04/2014)
- Kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2014(15/04/2014)
- Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào thi đua và đăng ký chỉ tiêu phấn đấu ...(15/04/2014)
- Quy định về quản lý quy hoạch chung đô thị theo đồ án điều chỉnh quy hoạch ...(15/04/2014)