Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 27/8/2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 4300/QĐ-UBND phê duyệt Dự án “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, định hướng đến 2030”, cụ thể như sau:
* Đối với chuyên ngành sản phẩm
- Giai đoạn 2011-2015:
Hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh: Xuất phát điểm của chuỗi chính là từ các doanh nghiệp may mạnh có khả năng làm chủ thị trường, có thể thiết kế sản phẩm để chào hàng, kéo các doanh nghiệp dệt nhuộm vào chuỗi cung cấp nguyên - phụ liệu cho may.
Trong bối cảnh thị trường dệt may thế giới gặp nhiều thách thức, đầu tư vào sản xuất vải và quần áo đồng phục- bảo hộ lao động mở ra một xu hướng triển vọng mới cho ngành dệt may Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Quần áo đồng phục, bảo hộ lao động trong nước là một thị trường hết sức quan trọng và có tiềm năng lớn.
Kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng, người tiêu dùng hiện đang giảm việc mua các món hàng xa xỉ mà có xu hướng chọn những món hàng vừa túi tiền hơn. Theo đánh giá, thứ tự mức độ quan tâm của người tiêu dùng các nước đối với hàng dệt may thì đầu tiên là sản phẩm phải thân thiện với môi truờng, tiếp sau đó là mẫu mã, dịch vụ, chất lượng và giá cả.
Tập trung vào chủng loại hàng hoá chuyên sâu, không sản xuất tràn lan, tăng đầu tư vào khâu thiết kế, chấp nhận linh hoạt đa dạng đơn hàng, bên cạnh những đơn hàng lớn, là những đơn hàng nhỏ.
+ Sản xuất xơ, sợi
Các nhà máy sản xuất xơ, sợi ít gây ô nhiễm, sử dụng không nhiều lao động, nên việc di dời các nhà máy là chưa cần thiết. Tập trung đầu tư chiều sâu, nâng công suất các nhà máy sản xuất sợi hiện có, sợi chải kỹ chất lượng cao, sợi cho sản xuất khăn, sợi cho vải denim như các công ty Thắng Lợi, Việt Thắng, Phong Phú, Thế Kỷ, nhà dầu tư FDI… để đến năm 2015 tổng sản lượng sợi của Thành phố Hồ Chí Minh đạt 150.000 tấn. Sản lượng sợi tăng thêm so với năm 2011 khoảng 45.000 tấn/năm, tương đương 6 nhà máy sợi công suất hơn 7.000 tấn/năm/nhà máy.
+ Sản xuất dệt
Tập trung kêu gọi đầu tư, đầu tư chiều sâu, thay thế các thiết bị công nghệ cũ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng. Kết hợp với đầu tư công nghệ mới, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.
Tối ưu hoá thiết kế theo hướng tăng hiệu suất thiết bị, giảm khối lượng. Khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm thay thế nhập khẩu có hiệu quả kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu ra khu vực và thế giới. Đồng thời khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành. Đa dạng hoá phương thức đầu tư: hợp tác nghiên cứu triển khai, chuyển giao công nghệ; liên doanh, liên kết sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Về dệt kim đan tròn: tập trung vào hàng dệt kim cao cấp dành cho phụ nữ và trẻ em.
Về dệt thoi: chú trọng sản xuất vải pha len để cung cấp cho may complete, áo khoác, vải kỹ thuật, vải trang trí nội thất, thảm công nghiệp.
Vải không dệt: chú trọng tới nhu cầu về vải công nghiệp trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Sản xuất vải cho tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu. Đến năm 2015 sản lượng vải đạt 500 triệu mét. Sản lượng tăng thêm 70 triệu mét, tương đương 3 nhà máy dệt, nhuộm công suất 22 triệu mét vải/năm/nhà máy.
+ Nhuộm và xử lý hoàn tất vải
Thực hiện di dời các cơ sở nhuộm trong nội thành về khu và cụm công nghiệp, đổi mới dây chuyền thiết bị hiện đại để xử lý đồng bộ khâu dệt nhuộm không gây ô nhiễm môi trường.
Tập trung phát triển nhanh và mạnh công nghiệp phụ trợ, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững ngành dệt may, bố trí các nhà máy sản xuất các sản phẩm phụ trợ (xơ, sợi, sợi tổng hợp, thuốc nhuộm, các phụ kiện…) tại các khu công nghiệp.
Xác định trong sản xuất vải, khâu tẩy nhuộm hoàn tất đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng vải đáp ứng yêu cầu của thị trường và làm tăng lòng tin của khách hàng, do vậy cần tập trung đầu tư phát triển. Khâu tẩy nhuộm và hoàn tất cần được qui hoạch vào một số địa điểm nhất định để thuận lợi cho khâu cung cấp nước và xử lý nước thải.
+ May mặc
Đây là công đoạn sử dụng nhiều lao động. Các dự án mới kêu gọi thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ sử dụng ít lao động. May hàng cao cấp có giá trị gia tăng và tích cực thay đổi phương thức sản xuất hàng xuất khẩu từ nhận nguyên liệu giao thành phẩm sang mua đứt bán đoạn, giảm tỷ trọng gia công, tăng hàm lượng ngoại tệ cho nền kinh tế của Thành phố.
Giai đoạn đến 2015, tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, xây dựng phát triển mạnh thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích các nhà đầu tư trong nước đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là các dự án về dệt may đồng bộ, tập trung vào thiết kế mẫu mã, ưu tiên phát triển hàng hóa thương hiệu Việt. Khuyến khích các doanh nghiệp may chuyển sang phương thức mua nguyên liệu, bán sản phẩm.
Khuyến khích dịch chuyển nhà máy may lớn ra các huyện và tỉnh lân cận, giảm áp lực về lao động. Sản lượng sản phẩm may tăng thêm 53 triệu sản phẩm, tương đương 17 nhà máy may, công suất 3 triệu sản phẩm/năm/nhà máy.
- Giai đoạn 2016-2020
+ Sản xuất xơ, sợi
Nâng công suất các nhà máy hiện có, đầu tư thêm từ 1 đến 2 nhà máy sản xuất sợi công suất từ 3.000 tấn đến 4.000 tấn sợi. Xơ PE sẽ tăng thêm khoảng 15.000 tấn. Tổng sản lượng xơ sợi khoảng 200.000 tấn/năm. Sản lượng tăng thêm so với năm 2015 là 50.000 tấn, tương đương 7 nhà máy sợi công suất 7.000 tấn/năm/nhà máy.
+ Sản xuất dệt
Năng lực tăng thêm của sản xuất vải so với năm 2015 là 100 triệu mét, tương đương 5 nhà máy công suất 20 triệu mét/năm/nhà máy. Đến năm 2020, sản lượng vải đạt 600 triệu mét.
+ Nhuộm và xử lý hoàn tất vải
Không cho phép các sơ sở hoạt động trong các khu dân cư; tập trung các hoạt động nhuộm trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đủ điều kiện xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật.
Đầu tư từ 2-3 nhà máy hoàn tất vải mới, công suất nhà máy khoảng 25-30 triệu mét vải/năm. Các nhà máy mới có hệ thống xử lý nước, khí thải một cách đồng bộ tại các tỉnh lân cận.
+ May mặc, thiết kế thời trang
Xây dựng mô hình thiết kế, tạo mẫu đây sẽ là trung tâm nơi cung cấp thông tin cho nhà sản xuất, định hướng trào lưu thời trang cho thị trường trong và ngoài nước.
Các mô hình sản xuất nhỏ vẫn duy trì tại trung tâm thành phố.
Sản lượng may tăng thêm so với năm 2015 là 50 triệu sản phẩm, tương đương với 17 nhà máy may công suất 3 triệu sản phẩm/năm, nhà máy. Đầu tư các nhà máy may ở các tỉnh lân cận.
- Giai đoạn 2021-2025
So với năm 2020, tăng thêm 7 nhà máy sợi, công suất 7.000 tấn/năm/nhà máy; 4 nhà máy dệt nhuộm công suất 25 triệu mét vải/năm/nhà máy; 17 nhà máy may công suất 3 triệu sản phẩm/năm/nhà máy
Đầu tư các nhà máy chủ yếu ở các khu cụm công nghiệp, các tỉnh có lợi thế về lao động. Các công ty mẹ tại Thành phố Hồ Chí Minh điều hành về mẫu mã, quản lý xuất nhập khẩu.
Về cơ bản sau 2020, các doanh nghiệp lớn tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ là các chuỗi cung ứng hòan chỉnh theo nhóm sản phẩm, theo thị trường.
Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm ngành dệt may Thành phố Hồ Chí Minh cần đầu tư sử dụng thiết bị sản xuất bằng công nghệ hiện đại, tiên tiến, thiết bị mới sao cho đảm bảo thực hiện các hoạt động chuyển giao công nghệ theo Luật chuyển giao công nghệ (2006) đồng thời phù hợp các thiết bị của các nhà sản xuất uy tín trên thế giới cung cấp.
+ Quy hoạch các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, các trung tâm thiết kế, phát triển mẫu mốt, thương hiệu:
Chủ động trong khâu thiết kế vải:
Giai đoạn đến năm 2015: Thành phố cùng với các doanh nghiệp dệt liên kết với Trường Đại học Bách Khoa đào tạo kỹ sư chuyên ngành dệt, may cử các kỹ sư trẻ đi thực tập tại nước ngoài.
Giai đoạn 2016-2020: Xây dựng xưởng dệt thực nghiệm (ngoài xưởng của phân viện dệt may), có thể sử dụng các cơ sở sản xuất dệt cũ trong nội đô để thí nghiệm dệt các mẫu vải mới.
Giai đoạn 2021-2030: Hoàn chỉnh mô hình khép kín từ thiết kế đến sản xuất.
+ Phát triển sản xuất nguyên phụ liệu
Giai đoạn đến năm 2015
∙ Chuẩn bị diện tích đất 1-2 ha cho đầu tư 1 nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu cho may bao gồm khóa kéo, dệt băng chun, dập cúc.
∙ Các loại phụ liệu khác như thùng carton, túi ni lông, hộp nhãn, mác được hoạt động nội đô, các doanh nghiệp nhỏ có thể đảm đương, cung cấp 70% cho nhu cầu may mặc.
Giai đoạn 2016-2020: Đảm bảo cung cấp 80-90% nhu cầu may mặc của cả nước.
Giai đoạn 2021-2030: Cung cấp 100% phụ liệu cho ngành may.
+ Xây dựng thương hiệu
Giai đoạn đến năm 2015: Xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu nhà thiết kế. Khuyến khích các nhà thiết kế tham gia vào Vietnam Designer House.
Giai đoạn 2016-2020: Xây dựng từ 1-2 trung tâm thiết kế thời trang, trong đó có sàn catwalk, studio để chụp hình các bộ thời trang.
Giai đoạn 2021-2030: Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm cung cấp nguyên phụ liệu ngành dệt may của cả nước.
* Quy hoạch theo không gian lãnh thổ
Thực hiện quy hoạch, thành lập và hoạt động của các khu Công nghiệp, cụm công nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1300/TTg-KTN ngày 24 tháng 7 năm 2014 và công văn số 5949/VPCP-KTN ngày 05 tháng 8 năm 2014.
Phân bố hoạt động dệt may trong các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè.
Các quận huyện như Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, nơi có lợi thế lao động hơn các quận nội thành có thể đặt các xưởng may qui mô nhỏ từ 3-5 chuyền, cung cấp đơn hàng nhỏ phục vụ cho khách du lịch của Thành phố.
Sắp xếp, củng cố các chợ Tân Bình, Đại Quang Minh, Soán Kình Lâm,… là nơi đầu mối giao dịch buôn bán các nguyên phụ liệu ngành dệt-may của Thành phố Hồ Chí Minh và trong nước.
Tại các quận trung tâm như Quận 1, Quận 3, Quận 10, Quận 5,… tập trung các nhà may, nhà thiết kế, giới thiệu sản phẩm, diện tích các nhà bán và giới thiệu sản phẩm khoảng 500 m2-1.000 m2, không mở rộng sản xuất các cơ sở hiện có.
Quỳnh Chi
- Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2014 - 2015(09/09/2014)
- Quy chế (mẫu) về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã(09/09/2014)
- Ủy quyền cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi hoặc nhận lại Giấy phép hoạt động ...(09/09/2014)
- Thẩm tra cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư(09/09/2014)
- Ủy quyền ra quyết định xử lý tiêu hủy gia súc mắc bệnh lở mồm long móng(09/09/2014)
- Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bến xe Miền Đông hiện hữu(09/09/2014)
- Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3(09/09/2014)
- Thành lập Hội Luật gia Quận 4(09/09/2014)
- Thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Màu xanh ngoài công lập(09/09/2014)
- Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ (09/09/2014)