Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2554/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ Công tác và Tổ Giúp việc của Tổ Công tác tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Chương trình hành động “Vì một Cần Giờ xanh” | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2552/QĐ-UBND về thành lập Đoàn Kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2023 | y ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2549/QĐ-UBND về kiện toàn nhân sự Tổ Công tác tham mưu, xây dựng Tượng đài Thống Nhất và Tượng đài Nam bộ Kháng chiến. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2537/QĐ-UBND về điều chỉnh Quyết định số 4765/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2533/QĐ-UBND về việc công bố danh mục 03 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực lý lịch tư pháp thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2523/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 của Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2519/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu đánh giá, xếp loại doanh nghiệp năm 2024 đối với Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2517/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án Phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2511/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 của Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích huyện Cần Giờ. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2501/QĐ-UBND |

Lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị trên địa bàn Thành phố

Ngày 12/7/2011, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 50/2011/QĐ-UBND về việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:


* Các loại quy hoạch đô thị


1. Các loại quy hoạch đô thị bao gồm:


a) Quy hoạch chung được lập cho thành phố, thị trấn thuộc các huyện ngoại thành. Bản vẽ của đồ án quy hoạch chung thành phố được thể hiện theo tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000. Bản vẽ của đồ án quy hoạch chung thị trấn được thể hiện theo tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000.


b) Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận - huyện, đồ án quy hoạch chung xây dựng các khu vực đô thị, đồ án quy hoạch chung cụm khu công nghiệp: là các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các quận - huyện, đồ án quy hoạch chung xây dựng các khu vực đô thị, đồ án quy hoạch chung các cụm, khu công nghiệp đã được phê duyệt nhiệm vụ trước ngày 25 tháng 5 năm 2010 (ngày có hiệu lực của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị - sau đây viết tắt là Nghị định số 37/2010/NĐ-CP).


c) Quy hoạch phân khu được lập cho các khu vực trong thành phố. Bản vẽ của đồ án quy hoạch phân khu được thể hiện theo tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/5.000.


d) Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000: là các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 (lập mới hoặc điều chỉnh tổng thể) đã được phê duyệt nhiệm vụ trước ngày 25 tháng 5 năm 2010.


e) Quy hoạch chi tiết cụm, khu công nghiệp được lập cho các cụm, khu công nghiệp tập trung. Bản vẽ của đồ án quy hoạch chi tiết cụm, khu công nghiệp được thể hiện theo tỷ lệ 1/500 (đối với cụm, khu công nghiệp có diện tích từ 200ha trở xuống) hoặc tỷ lệ 1/2000 (đối với khu công nghiệp có diện tích lớn hơn 200ha).


g) Quy hoạch chi tiết được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng. Bản vẽ của đồ án quy hoạch chi tiết được thể hiện theo tỷ lệ 1/500.


Đối với dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5ha (nhỏ hơn 2ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) thì có thể lập dự án đầu tư xây dựng mà không phải lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500). Bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở phải phù hợp với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch chung được duyệt (đối với khu chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 được duyệt), đảm bảo sự kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung và phù hợp với cảnh quan chung của khu vực.


h) Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật là một nội dung trong đồ án quy hoạch chung, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận - huyện, đồ án quy hoạch chung xây dựng các khu vực đô thị, đồ án quy hoạch chung - quy hoạch chi tiết cụm khu công nghiệp, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Đối với quy hoạch chung thành phố, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật được lập riêng thành đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.


2. Đồ án thiết kế đô thị riêng được lập tại các khu vực đã cơ bản ổn định chức năng sử dụng của các lô đất (không cần phải lập đồ án quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết) để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng. Việc tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt đồ án thiết kế đô thị riêng được thực hiện theo quy định như đối với đồ án quy hoạch chi tiết tại các Điều 19, 20, 21, 41, 42, 43, 44 và 45 của Luật Quy hoạch đô thị.


* Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị; lấy ý kiến chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình trong nội dung thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng không phải lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500)


1. Việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị, đồ án thiết kế đô thị riêng phải theo trình tự sau (riêng quy hoạch chi tiết cụm, khu công nghiệp, không lập nhiệm vụ):


a) Lập nhiệm vụ;


b) Thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ;


c) Lập đồ án;


d) Thẩm định, phê duyệt đồ án.


2. Khi thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình không phải lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (được quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2 Quyết định này), cơ quan thẩm định dự án đầu tư hoặc chủ đầu tư phải lấy ý kiến về bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình của các cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Điều 12 Quyết định này.


* Các khu vực có ý nghĩa quan trọng của thành phố


1. Khu trung tâm hiện hữu mở rộng thành phố;


2. Các khu đô thị mới;


3. Các cụm, khu công nghiệp tập trung;


4. Các khu chuyên dụng cho giải trí, du lịch, sinh thái, văn hóa, thể dục - thể thao;


5. Các cụm trường Cao đẳng, Đại học; các khu nhà ở sinh viên (ký túc xá); các khu nhà ở cho công nhân các cụm, khu công nghiệp tập trung;


6. Các khu công nghệ kỹ thuật cao (nông nghiệp, công nghệ cao, y tế, Viện - Trường y tế);


7. Khu vực ven biển; bờ sông, kênh, rạch từ cấp 1 đến cấp 3; hồ; rừng cây; khu vực có cảnh quan đặc biệt, cảnh quan gắn với di tích lịch sử; danh lam thắng cảnh;


8. Các khu di tích lịch sử - văn hóa; khu vực bảo tồn có trong danh mục bảo tồn hoặc khu vực có giá trị về di sản kiến trúc được cơ quan có thẩm quyền công nhận;


9. Các khu vực cửa ngõ thành phố; khu vực tiếp cận dọc các tuyến đường sắt, đường cao tốc, các tuyến giao thông liên tỉnh, giao thông cấp đô thị có lộ giới ≥ 40m, nhà ga - depot (trong phạm vi bán kính khoảng 500m);


10. Các khu vực tiếp cận Cảng Hàng không, Cảng sông, Cảng biển, căn cứ quân sự;


11. Các khu vực trung tâm hành chính - chính trị cấp quận - huyện trở lên;


12. Các khu thương mại - dịch vụ đô thị cấp thành phố;


13. Các khu vực có ý nghĩa quan trọng khác sẽ được Ủy ban nhân dân thành phố xác định cụ thể.


* Nội dung quy hoạch đô thị


1. Nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận, huyện và đồ án quy hoạch chung xây dựng các khu vực đô thị được lập theo Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ và Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Bộ Xây dựng.


2. Nội dung đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 được nêu tại điểm d khoản 1 Điều 2 Quyết định này cần kết hợp với nội dung quy hoạch phân khu theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định số 37/2010/NĐ-CP.


3. Nội dung quy hoạch chi tiết xây dựng cụm, khu công nghiệp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 11 năm 2008 của Bộ Xây dựng.


4. Các loại quy hoạch đô thị khác: nội dung nhiệm vụ được thực hiện theo Điều 22, Điều 23 Luật Quy hoạch đô thị; nội dung đồ án được thực hiện theo Điều 15, Điều 17, Điều 19, Điều 20 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP.


5. Nội dung đồ án thiết kế đô thị riêng được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 33 Luật Quy hoạch đô thị.


6. Nội dung đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật thành phố thực hiện theo Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 30 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP.


* Thời hạn quy hoạch đô thị; thời hạn hiệu lực của quy hoạch đô thị


1. Thời hạn quy hoạch đô thị:


a) Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung thành phố từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm (được cụ thể theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ).


b) Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật thành phố theo thời hạn đồ án quy hoạch chung thành phố.


c) Thời hạn quy hoạch đối với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận - huyện, đồ án quy hoạch chung xây dựng các khu vực đô thị, đồ án quy hoạch chung cụm, khu công nghiệp được xác định trên cơ sở quy hoạch chung thành phố và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị.


d) Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung thị trấn từ 10 đến 15 năm.


e) Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch phân khu, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 được xác định trên cơ sở thời hạn đồ án điều chỉnh quy hoạch chung quận, huyện hoặc quy hoạch chung thành phố và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị.


g) Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chi tiết; bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình; đồ án thiết kế đô thị riêng được xác định trên cơ sở thời hạn đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch phân khu và theo yêu cầu quản lý, nhu cầu đầu tư.


2. Thời hạn hiệu lực của quy hoạch đô thị:


Kể từ khi đồ án quy hoạch đô thị; đồ án thiết kế đô thị riêng; bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình được phê duyệt, chấp thuận đến khi có quyết định điều chỉnh hoặc hủy bỏ.


* Trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch đô thị


1. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng quy định tại Khoản 5 Điều 6 Quyết định này có trách nhiệm lấy ý kiến các Sở, ban, ngành, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị.


Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã - thị trấn, tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng quy định tại Khoản 5 Điều 6 Quyết định này trong việc lấy ý kiến.


2. Trong quá trình nghiên cứu lập đồ án quy hoạch đô thị, tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến các Sở, ban, ngành, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan đến đồ án quy hoạch đô thị.


3. Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp thẩm quyền xem xét trước khi quyết định phê duyệt.


* Hình thức, thời gian lấy ý kiến về quy hoạch đô thị


1. Việc lấy ý kiến các Sở, ban, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Các Sở, ban, ngành, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.


2. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án các loại quy hoạch chung được thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, chuyển cho cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị để lập báo cáo về ý kiến của cộng đồng dân cư.


3. Việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch chi tiết cụm - khu công nghiệp và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 được thực hiện bằng phiếu góp ý thông qua hình thức trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị có trách nhiệm lập báo cáo về các ý kiến của cộng đồng dân cư.


4. Thời gian có ý kiến trả lời hoặc đóng góp ý kiến là ít nhất 15 ngày đối với các Sở, ban, ngành và 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.


5. Căn cứ hướng dẫn cụ thể của Bộ Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn cụ thể về phạm vi, đối tượng, nội dung lấy ý kiến và thống nhất các loại biểu mẫu phiếu điều tra, phiếu góp ý cho các loại quy hoạch đô thị.


* Điều khoản thi hành:

 

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 93/2008/QĐ-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.


Công tác về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn được thực hiện theo Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003, Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng; Thông tư số 09/2010/TT-BXD ngày 04 tháng 8 năm 2010 của Bộ Xây dựng quy định việc lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.


* Thực hiện chuyển tiếp


1. Các quy hoạch xây dựng đô thị đã được thẩm định và trình phê duyệt trước ngày Quyết định này có hiệu lực thì không phải trình duyệt lại.


2. Đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết cụm - khu công nghiệp được tiếp tục lập theo Luật Xây dựng, Nghị định số 08/2005/NĐ-CP và Thông tư 19/2008/TT-BXD. Việc thẩm định và phê duyệt thực hiện theo Luật quy hoạch đô thị và Nghị định số 37/2010/NĐ-CP.


3. Đối với nhiệm vụ, đồ án quy hoạch đô thị khác triển khai trước ngày 25 tháng 5 năm 2010 (ngày Nghị định số 37/2010/NĐ-CP có hiệu lực) được thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11 tháng 8 năm 2010 của Bộ Xây dựng quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị.

 

Lam Điền