Đề án tiếp nhận người cai nghiện ma túy diện tự nguyện có đóng phí của Lực lượng Thanh niên xung phong
Ngày 02/4/2013, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 1639/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án tiếp nhận người cai nghiện ma túy diện tự nguyện có đóng phí của Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:
* Địa điểm triển khai Đề án:
Triển khai thực hiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.
* Đối tượng:
a) Đối tượng được tiếp nhận gồm:
- Người nghiện ma túy hoặc người có nguy cơ tái sử dụng ma túy có nguyện vọng thì được tiếp nhận vào cai nghiện theo diện tự nguyện có đóng phí.
- Người nghiện ma túy đang được quản lý giáo dục tại địa phương theo Nghị định số 163/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ và người nghiện ma túy đang cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ. Việc tiếp nhận chỉ được thực hiện khi được Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn nơi người nghiện ma túy cư trú có văn bản chấp thuận cho đối tượng tham gia chương trình cai nghiện tự nguyện.
- Người nghiện ma túy đang bị địa phương lập hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân quận - huyện xử lý hành vi sử dụng ma túy. Đơn vị phải thông báo cho chính quyền địa phương việc đối tượng đang cai nghiện tại đơn vị và phải tiến hành bàn giao ngay đối tượng khi chính quyền địa phương tổ chức thi hành quyết định.
b) Về đối tượng không được tiếp nhận gồm:
- Người bỏ trốn không chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh mà bỏ trốn.
- Người sau cai nghiện đang chấp hành quyết định quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú theo Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ.
* Thời gian và chương trình cai nghiện ma túy:
Thời gian cai nghiện (tối thiểu là 06 tháng) và chương trình cai nghiện ma túy được áp dụng trên cơ sở xem xét điều kiện nhân thân, độ tuổi và thời gian sử dụng ma túy của người cai nghiện.
a) Thời gian và chương trình giáo dục, rèn luyện cho người cai nghiện tự nguyện với thời gian 06 tháng như sau:
- Điều trị cắt cơn, giải độc (trường hợp đang sử dụng ma túy): Thời gian thực hiện từ 07 ngày đến 15 ngày, được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế về hướng dẫn quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.
- Phục hồi sức khỏe: Thời gian thực hiện từ ngày kết thúc giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc đến hết tháng thứ 2. Người cai nghiện được theo dõi và chăm sóc phục hồi sức khỏe; rèn luyện nội quy kỷ luật; giáo dục chuyên đề; lao động trị liệu.
- Giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách: Thời gian thực hiện từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6. Người cai nghiện được giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống; xem phim truyền thống, khoa học, giáo dục; thông tin thời sự; học các chuyên đề giáo dục do thành phố phát hành; học văn hóa - học nghề ngắn hạn, năng khiếu; lao động trị liệu; giao ban nhóm; hoạt động văn thể mỹ; tham gia đội nhóm năng khiếu và các dịch vụ tại khu vui chơi giải trí.
b) Thời gian và chương trình giáo dục, rèn luyện cho người cai nghiện tự nguyện với thời gian 12 tháng như sau:
- Điều trị cắt cơn, giải độc (trường hợp đang sử dụng ma túy): Thời gian thực hiện từ 07 ngày đến 15 ngày, được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế về hướng dẫn quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.
- Phục hồi sức khỏe: Thời gian thực hiện từ ngày kết thúc giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc đến hết tháng thứ 2. Người cai nghiện được theo dõi và chăm sóc phục hồi sức khỏe; rèn luyện nội quy kỷ luật; giáo dục chuyên đề; lao động trị liệu.
- Giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách: Thời gian thực hiện từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6. Người cai nghiện được giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống; xem phim truyền thống, khoa học, giáo dục; thông tin thời sự; học các chuyên đề giáo dục do thành phố phát hành; học văn hóa - học nghề ngắn hạn, năng khiếu; lao động trị liệu; giao ban nhóm; hoạt động văn thể mỹ; tham gia đội nhóm năng khiếu và các dịch vụ tại khu vui chơi giải trí.
- Lao động trị liệu hoặc lao động sản xuất có thu nhập: Thời gian thực hiện từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 12. Trong thời gian này, người cai nghiện tiếp tục thực hiện các nội dung giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; đồng thời, có thể tham gia lao động trị liệu hoặc lao động sản xuất có thu nhập nhằm tiếp tục rèn luyện và ổn định cuộc sống.
c) Sau khi hoàn tất chương trình giáo dục, rèn luyện với thời gian 06 tháng hoặc 12 tháng, nếu có nhu cầu, người cai nghiện có thể lựa chọn tự nguyện đăng ký tham gia một trong các chương trình:
- Chương trình hướng nghiệp, đào tạo chuẩn hóa nghề và giải quyết việc làm: người cai nghiện đăng ký các lớp đào tạo nghề ngắn hạn (từ 03 tháng đến dưới 12 tháng): điện gia dụng, điện tử: sửa chữa ampli, loa; tivi máy đa hệ; sửa xe gắn máy, xe tay ga; điện lạnh; tin học A; Photoshop; may công nghiệp, may gia đình; các loại hình nghề truyền nghề,…; hoặc các lớp đào tạo nghề dài hạn (trên 12 tháng): điện xí nghiệp, kỹ thuật viên tin học. Sau khi hoàn thành chương trình học người cai nghiện sẽ được giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp đang đầu tư tại đơn vị hoặc làm việc tại Cụm công nghiệp và Khu dân cư đô thị mới Nhị Xuân.
- Tiếp tục thực hiện chương trình học văn hóa, chương trình đào tạo đại học từ xa: người cai nghiện có thể đăng ký tiếp tục theo học các lớp văn hóa từ xóa mù chữ đến bổ túc văn hóa cấp III; nếu có nhu cầu và đủ điều kiện theo quy định, người cai nghiện được đăng ký theo học các lớp đại học từ xa do Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố liên kết với Trường Đại học Mở thành phố tổ chức với các ngành quản trị kinh doanh, xã hội học,…
* Nội dung quản lý:
a) Phân loại, thiết lập hồ sơ:
Người nghiện ma túy vào cai nghiện tự nguyện tại đơn vị phải chịu sự quản lý, giáo dục, chấp hành chế độ cai nghiện, chữa trị, lao động và học tập do đơn vị quy định, tuân thủ nội quy của đơn vị và các quy định của pháp luật có liên quan.
Trên cơ sở hồ sơ tiếp nhận ban đầu và xác minh tại địa phương nơi người cai nghiện cư trú, đơn vị tiến hành phân loại đối tượng (độ tuổi, giới tính, thời gian nghiện, tiền án, tiền sự,…), để áp dụng quy trình quản lý, giáo dục, rèn luyện phù hợp với từng nhóm đối tượng, tránh tình trạng người mới cai nghiện lần đầu có nhân thân tốt ở chung với các đối tượng có thời gian nghiện lâu năm và nhân thân không tốt ảnh hưởng đến kết quả cai nghiện, hoàn thiện nhân cách của người cai nghiện, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận người vào cai nghiện ma túy, đơn vị phải thiết lập hồ sơ cá nhân, hồ sơ bệnh lý, sổ theo dõi học tập theo đúng quy định.
b) Bố trí nơi ở:
Đơn vị sắp xếp, bố trí khu vực riêng làm nơi ở, sinh hoạt cho người cai nghiện ma túy diện tự nguyện có đóng phí. Trong khu vực này, căn cứ vào kết quả phân loại đối tượng khi vào cai nghiện, đơn vị dành riêng các phòng ở phù hợp với từng nhóm đối tượng quản lý như: nam, nữ ở riêng; người chưa thành niên; lần đầu cai nghiện ở riêng; người đã tái hòa nhập cộng đồng ở riêng,….
c) Chế độ thăm gặp:
Hàng tuần đơn vị tổ chức cho thân nhân thăm gặp người cai nghiện. Việc thăm gặp được tổ chức tại khu vực riêng, đảm bảo tính văn minh lịch sự và an ninh trật tự - an toàn đơn vị. Các trường hợp thăm gặp đột xuất sẽ do Giám đốc đơn vị giải quyết.
d) Chế độ về phép:
Định kỳ mỗi tháng 01 lần, khi có yêu cầu của người cai nghiện và được thân nhân bảo lãnh, Giám đốc đơn vị giải quyết cho người cai nghiện về phép. Trong thời gian cắt cơn, giải độc 15 ngày người cai nghiện chỉ được giải quyết cho về phép khi gia đình có tang. Trong thời gian thi hành kỷ luật, người cai nghiện không được giải quyết về phép.
Thời gian giải quyết phép mỗi lần từ 03 ngày đến 05 ngày.
đ) Chế độ tiếp xúc người cai nghiện và thân nhân:
Định kỳ mỗi tháng 01 lần, Giám đốc đơn vị tổ chức tiếp xúc, đối thoại với người cai nghiện. Định kỳ 03 tháng 01 lần, Giám đốc đơn vị tổ chức tiếp xúc, đối thoại với thân nhân người cai nghiện ma túy.
e) Khen thưởng - Kỷ luật:
Trong thời gian cai nghiện tại đơn vị, người cai nghiện có tiến bộ hoặc có thành tích xuất sắc thì đư¬ợc khen thưởng với các hình thức theo quy định của đơn vị và của thành phố.
Trong trường hợp người cai nghiện vi phạm nội quy, tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm, Giám đốc đơn vị tiến hành xử lý kỷ luật theo quy định của đơn vị. Tr¬ường hợp người cai nghiện có hành vi vi phạm pháp luật thì Giám đốc đơn vị có trách nhiệm báo ngay cho Công an địa phương nơi đơn vị trú đóng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp người đang cai nghiện ma túy tại đơn vị mà sử dụng ma túy, đơn vị phối hợp với Công an địa phương lập hồ sơ vi phạm, chuyển hồ sơ về nơi cư trú của người cai nghiện để địa phương xử lý theo quy định.
* Hoạt động y tế:
Người vào cai nghiện nếu đang sử dụng ma túy thì được cắt cơn, giải độc theo phác đồ điều trị. Sau đó người cai nghiện được đưa về các đội quản lý để thực hiện các bước tiếp theo của quy trình cai nghiện.
Người vào cai nghiện được thiết lập sổ theo dõi, chăm sóc sức khỏe; được bác sĩ khám, điều trị bệnh và theo dõi tình hình sức khỏe. Trường hợp bệnh vượt khả năng điều trị của đơn vị thì chuyển điều trị tại bệnh viện tuyến trên, bệnh viện chuyên khoa của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình điều trị bệnh, đơn vị phải thường xuyên liên hệ, thông báo, tư vấn cho thân nhân người cai nghiện về tình trạng sức khỏe và quá trình điều trị bệnh, phối hợp với thân nhân chăm sóc sức khỏe cho người cai nghiện ma túy.
* Hoạt động giáo dục rèn luyện phục hồi hành vi, nhân cách:
Người cai nghiện ma túy thường xuyên được tư vấn, tham vấn giúp giải tỏa những vướng mắc về tâm lý; cung cấp những kiến thức liên quan đến sức khỏe, tâm lý, môi trường, xã hội. Bên cạnh hoạt động học văn hóa, người cai nghiện còn được tham gia học các chuyên đề giáo dục liên quan đến đạo đức; pháp luật; lối sống, nếp sống có văn hóa; quan hệ ứng xử trong đời sống gia đình và xã hội; giáo dục sức khỏe và phòng, chống HIV/AIDS; giáo dục lịch sử, an ninh quốc phòng; truyền thống dân tộc,... Hàng ngày, người cai nghiện được tham gia hoạt động giao ban nhóm. Đây là một buổi sinh hoạt tập thể mang tính tự quản do chính người cai nghiện tổ chức nhằm tạo cơ hội để họ giúp đỡ lẫn nhau trong việc xác lập và củng cố hành vi, thói quen tích cực, từng bước hoàn thiện nhân cách.
* Hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề:
a) Dạy văn hóa:
Người cai nghiện trong thời gian học tập, rèn luyện tại đơn vị, đủ sức khỏe và điều kiện theo quy định được tham gia các lớp học văn hóa từ xóa mù chữ, bổ túc tiểu học, bổ túc trung học cơ sở đến bổ túc trung học phổ thông theo chương trình giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Người tham gia học văn hóa được hưởng các chế độ hỗ trợ kinh phí học xóa mù chữ, bổ túc tiểu học và có nghĩa vụ đóng các khoản chi phí liên quan đến việc học theo quy định; được cấp giấy chứng nhận, bằng tốt nghiệp khi hoàn thành chương trình học và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, người tốt nghiệp phổ thông trung học, có điều kiện và nhu cầu còn được đăng ký theo học các lớp đại học từ xa ngành quản trị kinh doanh, xã hội học,... do Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh niên xung phong liên kết với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (kinh phí học Đại học từ xa do gia đình đóng).
b) Dạy nghề:
Người cai nghiện có thể đăng ký tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn phù hợp với sức khỏe, nhu cầu của người cai nghiện. Người tham gia học nghề có nghĩa vụ đóng các khoản chi phí liên quan đến việc học nghề; được cấp giấy chứng nhận hoặc bằng tốt nghiệp khi hoàn thành chương trình học.
* Hoạt động chăm lo đời sống tinh thần:
Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị trang thiết bị dụng cụ thể thao, văn hóa văn nghệ,… phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho người cai nghiện trong thời gian rảnh rỗi như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, karaoke, tập thể hình, thư viện,… Tại mỗi phòng ở của người cai nghiện được trang bị ti-vi, đầu máy, kệ sách báo,… để giúp người cai nghiện nắm bắt thông tin, thời sự. Định kỳ hàng tuần, tháng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Phối hợp tổ chức cho các đoàn nghệ thuật của thành phố đến biểu diễn phục vụ.
* Tổ chức lao động:
Trên cơ sở phân loại người cai nghiện theo lứa tuổi, sức khỏe, nghiên cứu nguyện vọng cá nhân… người cai nghiện có thể tham gia các loại hình lao động trị liệu như: sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăm sóc cảnh quan... Thông qua hoạt động lao động sản xuất giúp người cai nghiện phục hồi về thể chất, được giáo dục phẩm chất, kỷ luật lao động, nhận thức được giá trị của lao động và có sự điều chỉnh hành vi, nhân cách bản thân.
Bên cạnh hoạt động lao động mang tính trị liệu, người cai nghiện được tham gia lao động sản xuất có thu nhập để phụ giúp gia đình và phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của bản thân.
* Hoạt động bổ trợ khác:
a) Hoạt động tình nguyện viên giáo dục:
Hoạt động tình nguyện viên giáo dục là việc những người cai nghiện tiến bộ giúp đỡ người cai nghiện. Thông qua hoạt động này giúp cho người cai nghiện mạnh dạn chia sẻ tâm tư tình cảm, những khó khăn, vướng mắc, lo lắng của bản thân và nhận được sự động viên, giúp đỡ của tình nguyện viên, góp phần tạo nên sự cân bằng về mặt tâm lý, an tâm cai nghiện và chấp hành tốt nội quy đơn vị.
b) Hỗ trợ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS:
Người cai nghiện ma túy diện tự nguyện có đóng phí được thụ hưởng lợi ích từ các dự án phi chính phủ về chăm sóc, điều trị HIV/AIDS (nếu có).
Lam Điền
- Hội thảo “Chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân lão khoa”(16/04/2013)
- Hội thảo"Chương trình nghiên cứu Welcome Trust: kết nối khoa học đến công chúng”(16/04/2013)
- Hội thảo “Kiểm soát hen toàn diện”(16/04/2013)
- Hội thảo “Vai trò của G-CSF trong hỗ trợ điều trị giảm bạch cầu đa nhân trung ...(16/04/2013)
- Hội thảo “Tiến bộ mới trong phòng ngừa đợt bùng phát COPD”(16/04/2013)
- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn ...(16/04/2013)
- Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, ...(16/04/2013)
- Thông báo nghỉ Lễ và treo cờ Tổ quốc ngày 30 tháng 4 và ngày 01 tháng 5 năm 2013(27/03/2013)
- Đề án nông thôn mới xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi giai đoạn 2012 - 2015(27/03/2013)
- Hội thảo “Phẫu thuật lồng ngực” (27/03/2013)