Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5165/QĐ-UBND về bãi bỏ Quyết định Cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích huyện Cần Giờ | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5163/QĐ-UBND về ban hành Quy chế tài chính Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5162/QĐ-UBND về bãi bỏ Quyết định Cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Quận 7. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5161/QĐ-UBND về việc giải thể Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Quận 7 | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5155/QĐ-UBND về việc thông qua phương án đơn giản hóa 01 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Sở An toàn thực phẩm. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5147/QĐ-UBND về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thu hút, tuyển chọn người có tài năng đặc biệt cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao của Thành phố Hồ Chí Minh | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5146/QĐ-UBND về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thu hút, tuyển chọn người có tài năng đặc biệt cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao của Thành phố Hồ Chí Minh. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5139/QĐ-UBND về việc công bố 02 danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực quản lý công sản thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tài chính. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5138/QĐ-UBND về việc công bố 02 thủ tục hành chính được quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 ngày 15 tháng 6 năm 2022 | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5133/QĐ-UBND về Ban hành Quy chế bình chọn 50 doanh nghiệp tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam |

Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Ngày 10/9/2013, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

* Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Đối tượng áp dụng:

a) Cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước của thành phố, quận - huyện;

b) Cán bộ, công chức xã - phường, thị trấn;

c) Những người hoạt động không chuyên trách ở xã - phường, thị trấn; những người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu vực;

d) Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố và xã;

đ) Viên chức làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn trong các đơn vị sự nghiệp công lập;

e) Các đối tượng khác thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố (nếu có);

 Sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức.

2. Phạm vi áp dụng:

a) Quy chế này được áp dụng cho tất cả các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa, nâng cao năng lực chuyên môn phục vụ nhiệm vụ đang đảm nhận và vị trí công tác, sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước;

b) Đối với công chức đang thực thực hiện chế độ tập sự; cán bộ quản lý doanh nghiệp và các hội khi tham gia vào các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hội nhập, kinh tế quốc tế chuyên sâu do các cơ quan nhà nước tổ chức đào tạo ở trong nước được áp dụng một số điều của Quy chế này;

c) Các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đi học không thuộc kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, đơn vị, thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét giải quyết tùy theo tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị; kinh phí do cá nhân tự túc.

* Tiêu chuẩn và điều kiện để cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng

1. Các tiêu chuẩn chung:

Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải đảm bảo:

a) Đã được bổ nhiệm chính thức vào ngạch công chức (đối với công chức), hợp đồng dài hạn (đối với viên chức), trong biên chế hoặc tổng số người làm việc được cấp có thẩm quyền giao (đối với cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã); có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung, chương trình của khóa đào tạo, bồi dưỡng; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp và phải gắn với quy hoạch, kế hoạch sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, đơn vị;

b) Có đủ sức khỏe tham dự khóa học, có trình độ đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của cơ sở đào tạo. Cam kết tham dự khóa đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện phục vụ nhiệm vụ, công vụ sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo với thời gian tối thiểu theo quy định của pháp luật;

c) Có ít nhất 03 năm liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với trường hợp đi đào tạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm trước khi được cử đi bồi dưỡng.

d) Không đang trong thời gian xem xét kỷ luật, đình chỉ công tác, đối tượng bị điều tra, trong thời gian thi hành kỷ luật, đang nghỉ theo chế độ chính sách quy định.

2. Các tiêu chuẩn cụ thể:

a) Đối với đào tạo sau đại học:

- Đào tạo sau đại học (Tiến sĩ, Thạc sĩ, Chuyên khoa I - Chuyên khoa II đối với ngành y tế): thực hiện cho tất cả các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức hội đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của bậc đào tạo sau đại học;

- Đảm bảo các quy định tại Điều 20 Nghị định số 18/2010/NĐ-CP và Điều 24 Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức (gọi tắt là Thông tư số 03/2011/TT-BNV).

b) Đối với các loại đào tạo, bồi dưỡng còn lại:

Chỉ thực hiện cử đi đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học đối với các trường hợp do cơ quan, đơn vị được tổ chức, sắp xếp lại; công chức đã được bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ lãnh đạo nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn, trình độ đào tạo theo quy định và phải đạt các điều kiện như sau:

- Đào tạo trình độ đại học: chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức quận, huyện đang hưởng ngạch lương từ cán sự và tương đương trở lên; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và cán bộ, công chức, viên chức ở một số ngành nghề đặc thù.

- Tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn: thực hiện cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức có đủ các điều kiện theo quy định của cơ sở đào tạo và quy định của Quy chế này.

3. Một số quy định khác:

a) Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải thực hiện quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và đáp ứng các yêu cầu của chương trình hợp tác.

b) Đối với việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo ở nước ngoài, ngoài việc thực hiện các quy định của thành phố, còn thực hiện các quy định tại Chương III Thông tư số 03/2011/TT-BNV. Không cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài vì mục đích giải quyết chính sách và những người không đảm bảo sức khỏe để tham dự các khóa học;

c) Đối với việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học tại các chương trình liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo nước ngoài và cơ sở đào tạo trong nước, phải chú ý chất lượng đào tạo; các chương trình liên kết đào tạo phải được phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố; việc thẩm định các văn bằng đào tạo để thực hiện các chính sách được thực hiện theo Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp;

d) Các trường hợp đào tạo, bồi dưỡng do yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho việc: thành lập mới, nâng cấp hoặc chia tách đơn vị, đào tạo sau đại học để tạo nguồn cán bộ chuyên môn giỏi hoặc chuyên gia đầu ngành,… sẽ do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định tùy theo tình hình thực tế tại địa phương.

* Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

1. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được giao thực hiện và theo mẫu thống nhất được Bộ Nội vụ quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BNV.

2. Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gồm:

a) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp;

b) Chứng chỉ chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý;

c) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành.

3. Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức; chứng chỉ chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là một trong những căn cứ khi xem xét điều kiện bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc để bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức;

- Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng (kể cả trong và ngoài nước) là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm của cán bộ, công chức, viên chức.

* Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức

1. Cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận; kiến thức, kỹ năng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và các kiến thức bổ trợ khác theo quy định; thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 35 Luật Viên chức và Điều 4 Nghị định số 18/2010/NĐ-CP.

2. Cán bộ, công chức, viên chức đang giữ chức vụ và thuộc ngạch, chức danh nào đều phải được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ kiến thức quy định cho chức vụ, ngạch và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đó.

3. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải chấp hành tốt nội quy, quy chế và chịu sự quản lý của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tham gia khóa học và phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ học tập quy định tại Khoản 2 Điều 35 Luật Viên chức, Khoản 1 Điều 34 của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

4. Sau khi kết thúc khóa học, cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo kết quả học tập cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng.

5. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 23 Thông tư số 03/2011/TT-BNV.

6. Cán bộ, công chức, viên chức không chấp hành quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, cấp có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.

* Quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng

1. Đối với đào tạo, bồi dưỡng trong nước:

a) Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan quản lý, sử dụng bố trí thời gian và kinh phí theo quy định;

b) Trong thời gian được cử đi dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức được hưởng nguyên lương, phụ cấp và các chế độ khác theo quy định;

c) Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học trong diện quy hoạch đào tạo, sau khi tốt nghiệp và có bằng được hưởng chế độ hỗ trợ khuyến khích theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố;

d) Được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục;

đ) Được biểu dương, khen thưởng về kết quả xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng;

e) Các chế độ chính sách: tiền lương, phụ cấp hay chế độ khuyến khích,… do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý xem xét giải quyết hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.

2. Đối với đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài: Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục và chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với việc cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

 

Lam Điền