Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020
Ngày 12/12/2016, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 6485/QĐ-UBND về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
Những mục tiêu cần đạt được năm 2020:
1. Về quy mô thị trường
a) Tối thiểu 40% dân số tham gia mua sắm trực tuyến;
b) 50% cá nhân, hộ gia đình sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng;
c) Doanh số giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C) tăng bình quân 20%/năm; chiếm tối thiểu 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn;
d) Giá trị giao dịch thương mại điện tử của doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn chiếm 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.
2. Về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp
a) 50% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu, bán sản phẩm của doanh nghiệp;
b) 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử;
c) 100% siêu thị, trung tâm thương mại và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt;
d) 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của khách hàng bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt;
e) Hình thành từ 02 đến 03 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử lớn có uy tín trong khu vực Đông Nam Á.
3. Về ứng dụng thương mại điện tử trong cơ quan nhà nước
a) Tối thiểu 70% cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực kinh tế được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
b) 100% công chức trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về thương mại điện tử được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành.
c) 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 3, 4 đối với danh mục nhóm các dịch vụ công được ưu tiên theo Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
II. NỘI DUNG
1. Phát triển, hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử
a) Tổ chức thực hiện, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho sự phát triển của thương mại điện tử, theo kịp tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực này.
b) Phối hợp triển khai, tham gia kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia về thương mại điện tử về hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng thanh toán đảm bảo nhằm hỗ trợ thanh toán cho các dịch vụ hành chính công trực tuyến;
c) Xây dựng kế hoạch tăng cường khả năng đồng bộ hóa giữa hệ thống thương mại điện tử và hệ thống dịch vụ logistics để đảm bảo chất lượng giao dịch thương mại điện tử hiệu quả, an toàn và tiện ích.
2. Phát triển nguồn nhân lực
a) Tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước về thương mại điện tử cho đội ngũ cán bộ, công chức.
b) Tổ chức các chương trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho cá nhân, thương nhân trên địa bàn.
c) Đẩy mạnh ứng dụng đào tạo trực tuyến trong hoạt động đào tạo thương mại điện tử, khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp liên kết xây dựng các hệ thống đào tạo trực tuyến, hệ thống học liệu phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập về thương mại điện tử.
3. Truyền thông về thương mại điện tử
a) Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của dân cư trên địa bàn về thương mại điện tử, đặc biệt là các phương thức giao dịch thương mại điện tử an toàn, thông qua ấn phẩm báo in, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình.
b) Tổ chức hội nghị, hội thảo về chính sách, pháp luật, xu hướng, giải pháp ứng dụng thương mại điện tử.
c) Tổ chức “Giải thưởng Thương mại điện tử thành phố Hồ Chí Minh” để khen thưởng, động viên những doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử tiêu biểu.
4. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử
a) Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối truyền thống triển khai các dự án, chương trình ứng dụng thương mại điện tử cụ thể.
b) Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
c) Tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử (online) với doanh nghiệp phân phối truyền thống (offline), nhà sản xuất thông qua các chương trình như: phân phối thực phẩm an toàn, khuyến mại trực tuyến,… nhằm tăng cường hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp và củng cố, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào giao dịch thương mại điện tử.
d) Hỗ trợ tư vấn về thực hiện pháp luật cạnh tranh và sở hữu trí tuệ.
e) Khuyến khích khởi nghiệp bằng các mô hình kinh doanh thương mại điện tử mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến;
g) Khuyến khích nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ việc đảm bảo an toàn, an ninh cho hoạt động thương mại điện tử; xây dựng các hệ thống giám sát, chứng thực và bảo đảm an toàn cho giao dịch thương mại điện tử.
h) Khuyến khích, kết nối việc triển khai ứng dụng công nghệ mới trong thương mại điện tử;
i) Phát triển các sản phẩm, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong từng công đoạn của chu trình kinh doanh;
5. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử
a) Xây dựng, kiện toàn bộ máy chuyên trách quản lý nhà nước về thương mại điện tử để giải quyết kịp thời những tranh chấp và vấn đề phát sinh trong thương mại điện tử; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ trong việc thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp (trực tuyến và ngoại tuyến) cho thương mại điện tử
b) Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức chuyên trách thương mại điện tử có chuyên môn sâu, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về thương mại điện tử trên địa bàn.
c) Đẩy mạnh cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công.
d) Tổ chức thống kê hàng năm tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn để làm căn cứ thực hiện quản lý nhà nước nói chung; xây dựng và triển khai các chương trình nhánh phát triển thương mại điện tử nói riêng.
e) Tổ chức hoặc tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm về quản lý nhà nước, phát triển thương mại điện tử trong nước, ngoài nước.
g) Xây dựng, cập nhật trung tâm cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn.
h) Nâng cấp trang thông tin điện tử eca.trade.hochiminhcity.gov.vn thành Cổng thông tin thương mại điện tử nhằm cung cấp thông tin toàn diện về hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn, hỗ trợ thiết thực việc ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trần Phát
- Điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu dân cư phía Đông ...(23/01/2017)
- Kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch xây dựng đô ...(23/01/2017)
- Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam đặt Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh(23/01/2017)
- Kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố năm 2017(23/01/2017)
- Thành lập tổ công tác thực hiện chương trình cung cấp “Thực phẩm sạch”(16/12/2016)
- Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 5861/QĐ-UBND sửa đổi, bổ ...(16/12/2016)
- Ủy ban nhân dân Thành phố sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1889/QĐ-UBND ngày 14 ...(16/12/2016)
- Tổ chức lại “Trung tâm Kỹ thuật nhựa - Cao su và Đào tạo quản lý năng lượng” ...(16/12/2016)
- Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Hữu nghị Việt - Đức thành phố Hồ Chí Minh (16/12/2016)
- Thành lập Cơ sở bảo trợ xã hội Mai Liên tại phường 3, quận 8(16/12/2016)