Kế hoạch thực hiện Đề án “xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” trên địa bàn thành phố
Ngày 07/10/2013, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 5506/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:
* Mục tiêu tổng quát
Nâng cao nhận thức của mọi người trong xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, của mỗi gia đình, của mỗi cộng đồng và của thành phố.
Tạo mọi cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc phù hợp với nhu cầu, điều kiện và hoàn cảnh của mỗi cá nhân nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội hướng tới nền kinh tế tri thức.
* Nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện
1. Thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, vai trò và lợi ích của học tập suốt đời - xây dựng xã hội học tập
Làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò quan trọng, tầm chiến lược của xây dựng xã hội học tập đến các cấp lãnh đạo, mọi tổ chức, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, công nhân lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền cùng với phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Ủy ban nhân dân các cấp đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; ban hành cơ chế chính sách cần thiết để khuyến khích tự học và đề cao nghĩa vụ công dân trong học tập; đề cao trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng xã hội học tập ở từng đơn vị.
Tổ chức các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các trường học, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, qua các hội nghị, hội thảo, mạng internet. Xây dựng chuyên mục “xây dựng xã hội học tập” trên đài truyền hình, đài phát thanh, website; biên soạn và phát hành bản tin, các tài liệu tuyên truyền (tờ rơi, áp phích, băng rôn, quảng cáo...) về xây dựng xã hội học tập. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, phát động phong trào đơn vị học tập, cộng đồng học tập. Hàng năm tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời ở các quận, huyện. Tổ chức các hình thức tuyên truyền về bối cảnh quốc tế và trong nước, sự cần thiết, các giải pháp, kinh nghiệm và thành tích đạt được trong xây dựng xã hội học tập để từ đó nhân rộng trên địa bàn.
Tổ chức tuyên dương, khen thưởng các đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác xây dựng xã hội học tập; xét tặng danh hiệu “Đơn vị học tập” cho các cơ quan, các địa phương. Xây dựng tiêu chí công nhận “xã, phường, thị trấn học tập”, “quận, huyện học tập”, để bổ sung tiêu chí cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí khu dân cư khuyến học.
2. Tổ chức các hình thức hoạt động học tập suốt đời trong các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường (các phương tiện thông tin đại chúng, thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, ...)
Các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Đài Phát thanh và Truyền hình tham gia thực hiện các chương trình giáo dục từ xa, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về các lĩnh vực của khoa học và đời sống.
Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá... Đưa giáo dục văn hóa giao tiếp ứng xử trong gia đình, trong cộng đồng và nội dung bảo tồn gìn giữ di sản vào giảng dạy trong nhà trường. Củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo điều kiện để các thiết chế ngoài nhà trường như thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ tham gia tích cực vào việc cung ứng các chương trình học tập suốt đời đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của các tầng lớp nhân dân và học sinh, sinh viên. Đa dạng các hình thức cung ứng các chương trình học tập suốt đời của các thiết chế ngoài nhà trường như tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề, tổ chức trò chơi, thi tìm hiểu; xây dựng các trung tâm giáo dục, phòng khám phá, không gian sáng tạo trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá; tổ chức triển lãm, trưng bày lưu động; biên soạn các loại tài liệu, tờ rời, đĩa DVD..., nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia học tập suốt đời. Tổ chức tập huấn về hình thức, phương pháp tổ chức dạy học ở các thiết chế ngoài nhà trường.
3. Củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của nhân dân đồng thời với việc phát triển các cơ sở giáo dục chính quy, củng cố, phát triển các cơ sở giáo dục thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học suốt đời của mọi đối tượng. Tập trung xây dựng các mô hình chủ yếu làm công cụ thiết yếu để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở...
4. Đẩy mạnh hình thức học từ xa, học qua mạng
Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo từ xa ở các cơ sở giáo dục thường xuyên cấp thành phố, đặc biệt là ở các cơ sở giáo dục đại học. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến (E.learning). Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong việc cung ứng các chương trình học tập suốt đời cho mọi người.
5. Triển khai các biện pháp hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho người học thuộc đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ, người khuyết tật... theo địa bàn, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Xây dựng cơ chế đánh giá, công nhận kết quả học tập không chính quy và phi chính quy nhằm khuyến khích nhân dân tự học, tự tích lũy kiến thức. Tổ chức biên soạn các tài liệu học tập và cơ sở dữ liệu, nhất là hệ thống học liệu về các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, y tế, văn hóa, pháp luật, biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống thảm họa..., đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân. Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá trong việc tổ chức thực hiện các chương trình học tập không chính quy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, năng lực tự học, vận dụng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm sẵn có của người học.
6. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng xã hội học tập
Quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các tổ chức và cá nhân; cơ chế tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp đối với học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập của sở, ngành, địa phương (bao gồm cấp huyện và cấp xã). Xây dựng xã hội học tập là nội dung bắt buộc trong chương trình, kế hoạch hoạt động, thi đua hàng năm và từng giai đoạn của các ngành, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức và doanh nghiệp.
Củng cố Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập ở các cấp xã, huyện, nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch xây dựng xã hội học tập, thống nhất chỉ đạo việc triển khai xây dựng xã hội học tập từ quận, huyện đến các xã - phường, thị trấn. Hàng năm các quận, huyện phải gửi báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo thành phố (thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo). Củng cố, xây dựng bộ phận làm đầu mối quản lý về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập ở các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp. Hàng năm các sở, ngành, đoàn thể phải gửi báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo thành phố (thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo).
Các doanh nghiệp xây dựng “Quỹ học tập suốt đời” của đơn vị để tổ chức các hoạt động học tập suốt đời và hỗ trợ người học; tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nhu cầu nâng cao trình độ nghề nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp được đào tạo, đào tạo lại.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Khuyến học, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu giáo chức, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức, đoàn thể khác triển khai các hoạt động xây dựng xã hội học tập phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình.
7. Hợp tác quốc tế
Tổ chức nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập tại một số nước có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Cử cán bộ quản lý, giáo viên đi học tập dài hạn, ngắn hạn về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở nước ngoài. Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục từ xa để học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đào tạo từ xa tiên tiến và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Nguyên Ngân
- Quận 10 hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố (07/11/2013)
- Kiện toàn Ban quân - dân y thành phố(07/11/2013)
- Mức thu phí qua đò tại các bến khách ngang sông trên địa bàn thành phố(07/11/2013)
- Thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi thiết kế trang trí ánh sáng đường phố (07/11/2013)
- Tành lập Đoàn Kiểm tra việc tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo số ...(07/11/2013)
- Kiện toàn Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho ...(07/11/2013)
- Kiện toàn nhân sự Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ ...(07/11/2013)
- Quận 3 được công nhận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo(21/10/2013)
- Quỹ hoạt động Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh(21/10/2013)
- Thành lập Trường trung học phổ thông Hai Bà Trưng, quận Tân Bình(21/10/2013)