Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5165/QĐ-UBND về bãi bỏ Quyết định Cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích huyện Cần Giờ | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5163/QĐ-UBND về ban hành Quy chế tài chính Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5162/QĐ-UBND về bãi bỏ Quyết định Cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Quận 7. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5161/QĐ-UBND về việc giải thể Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Quận 7 | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5155/QĐ-UBND về việc thông qua phương án đơn giản hóa 01 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Sở An toàn thực phẩm. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5147/QĐ-UBND về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thu hút, tuyển chọn người có tài năng đặc biệt cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao của Thành phố Hồ Chí Minh | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5146/QĐ-UBND về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thu hút, tuyển chọn người có tài năng đặc biệt cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao của Thành phố Hồ Chí Minh. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5139/QĐ-UBND về việc công bố 02 danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực quản lý công sản thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tài chính. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5138/QĐ-UBND về việc công bố 02 thủ tục hành chính được quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 ngày 15 tháng 6 năm 2022 | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5133/QĐ-UBND về Ban hành Quy chế bình chọn 50 doanh nghiệp tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam |

Quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố

Ngày 22/6/2011, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 3178/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, cụ thể như sau:


* QUY HOẠCH CHI TIẾT CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025


1. Đối với đàn heo:


Phương thức sản xuất:


- Tập trung xây dựng tháp giống trên địa bàn thành phố theo một đầu mối là Xí nghiệp chăn nuôi heo giống cấp I thuộc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên nhân đàn và giữ giống ông bà cố (GGP), các trại còn lại như Đồng Hiệp, Phước Long và một số trang trại lớn tập trung nuôi giữ đàn giống ông bà (GP) và cung ứng đàn cha mẹ (PS) nhằm cung ứng cho các trại chăn nuôi tại thành phố và các tỉnh.


- Các Doanh nghiệp nhà nước: Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên, Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Thanh niên xung phong… tập trung nhân thuần, lai tạo; nhập con giống, tinh cao sản; phát triển hệ thống vệ tinh, nhượng quyền sản xuất, gia công; sản xuất thức ăn cung ứng, gia công.


- Các trang trại sản xuất giống tập trung tại huyện Củ Chi, Hóc Môn - thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước, … cung cấp giống heo hậu bị, heo giống nuôi thịt chất lượng phù hợp với nhu cầu của thị trường và người chăn nuôi.


- Phát triển chăn nuôi heo thịt theo hướng an toàn, bảo vệ môi trường; tăng quy mô sản xuất, hình thành các trang trại, hệ thống hợp tác, từng bước xây dựng thương hiệu chăn nuôi gắn với sản phẩm an toàn.


Dự kiến quy hoạch chăn nuôi heo tập trung tại các quận, huyện:


- Huyện Củ Chi: tổng đàn heo là 200.000 con vào năm 2015, 230.000 con năm 2020 và 245.000 con năm 2025. Tăng nhanh đàn giống chất lượng để cung cấp con giống cho các vùng lân cận. Do tập quán sản xuất của người chăn nuôi, nên vẫn còn vùng chăn nuôi tạm thời xen cài ở khu dân cư và vùng chăn nuôi ổn định. Quy hoạch chăn nuôi heo tập trung tại các xã Tân Thạnh Đông, An Phú, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội, Phú Hòa Đông, Tân An Hội, Tân Phú Trung, Thái Mỹ. Đồng thời, vận động người chăn nuôi xây dựng hầm biogas để bảo vệ môi trường và tận dụng nguồn khí đốt phục vụ sinh hoạt và sản xuất.


- Huyện Hóc Môn: tổng đàn heo là 25.000 con năm 2015, 15.000 con năm 2020 và 10.000 con năm 2025. Khu vực chăn nuôi chủ yếu tại các xã Nhị Bình, Xuân Thới Thượng, Đông Thạnh, Tân Thới Nhì, Thới Tam Thôn.


- Huyện Bình Chánh: tổng đàn heo là 28.000 con vào năm 2015, 10.000 con năm 2020 và 5.000 con năm 2025. Tập trung chăn nuôi tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai.


- Huyện Cần Giờ: tổng đàn heo là 9.000 con năm 2015, 10.000 con năm 2020 và 10.000 con năm 2025. Khu vực chăn nuôi chủ yếu tại Long Hòa, Bình Khánh, Cần Thạnh và An Thới Đông.


- Huyện Nhà Bè: tổng đàn heo là 10.000 con năm 2015, 5.000 con năm 2020 và 2.000 con năm 2025. Khu vực chăn nuôi chủ yếu tại xã Nhơn Đức, Hiệp Phước.


- Các quận, huyện còn lại: Tập trung chủ yếu vào các quận 9, 12, Thủ Đức. Tổng đàn heo năm 2015 là 26.000 con, 5.000 con năm 2020 và không còn chăn nuôi heo vào năm 2025.


2. Đối với đàn trâu, bò:


Ưu tiên tập trung phát triển đàn bò sữa trên địa bàn thành phố tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Trong đó tổng đàn bò sữa đến năm 2015 là 83.500 con, năm 2020 là 75.000 con và 2025 là 70.500 con. Duy trì đến năm 2025, sản lượng sữa tươi đạt 250.000 - 260.000 tấn/năm.


- Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống Cây trồng - Vật nuôi, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên tập trung xây dựng đàn hạt nhân mở trong chăn nuôi bò sữa; nhập con giống, tinh cao sản; nhân thuần, lai tạo đàn giống bò sữa chất lượng cao.


- Các trang trại sản xuất giống tập trung tại huyện Củ Chi, Bình Chánh - thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng, cung cấp giống bò sữa hậu bị chất lượng cao cung ứng cho người chăn nuôi thành phố và các tỉnh.


Dự kiến quy hoạch chăn nuôi bò sữa tập trung tại các quận, huyện:


- Huyện Củ Chi: Tổng đàn bò sữa là 60.000 con từ năm 2015 đến 2020 và có khuynh hướng giảm nhẹ đến năm 2025. Do diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nên quy hoạch chăn nuôi bò sữa vẫn xen cài trong khu dân cư tại các xã Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Trung An, An Phú, Phú Hòa Đông, Tân An Hội.


- Huyện Hóc Môn: Tổng đàn bò sữa là 16.600 con năm 2015, 11.000 con năm 2020 và 10.000 con năm 2025. Khu vực chăn nuôi chủ yếu tại các xã Đông Thạnh, Thới Tam Thôn, Xuân Thới Thượng.


- Huyện Bình Chánh: Tổng đàn bò sữa là 2.500 con năm 2015, 1.800 con năm 2020 và 500 con năm 2025. Tập trung chăn nuôi tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai, trong đó có 1 trang trại kiểu mẫu theo công nghệ Israel.


- Các quận, huyện còn lại: Tổng đàn bò sữa là 4.400 con năm 2015, 1.000 con năm 2020.


3. Đối với đàn gia cầm:


Phát triển giống gia cầm:


- Đối với con giống hướng trứng: chọn nhập bộ giống Hyline hoặc Brown Nick nuôi đàn cha mẹ và đưa con giống 1 ngày tuổi được ưa chuộng và mang lại hiệu quả cao nhất đưa ra thị trường tiêu thụ.


- Đối với con giống hướng thịt: phát triển chăn nuôi theo 2 hướng.


+ Gà thịt công nghiệp cao sản: nhập con giống đang được thị trường tiêu thụ mạnh hiện nay là giống gà Cobb 500 nguồn gốc của Mỹ, hay giống gà Ross của Đức.


+ Gà thịt lông màu: nhập con cha mẹ Lương Phượng thuần từ Trung tâm giống gia cầm Thụy Phương hoặc từ Trung Quốc, sau đó tiến hành chọn lọc nhân thuần. Sau khi tạo được các dòng mái ổn định và đồng đều tiến hành lai tạo với các dòng trống lông màu nhập nội như Kabir, Sasso…họăc với các giống gà nội địa để cho ra con lai có năng suất thịt cao hơn hoặc chất lượng thịt gà ngon hơn.


- Trên địa bàn thành phố tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm quy mô công nghiệp, chuồng kín, đảm bảo các điều kiện về an toàn sinh học, có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y. Ưu tiên phát triển tại các địa điểm:


+ Khu vực xã An Phú, huyện Củ Chi thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên.


+ Khu vực nông trường Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh và một số xã đủ điều kiện chăn nuôi gia cầm khác của huyện Bình Chánh.


+ Khu vực các xã An Thới Đông, Bình Khánh, Long Hòa, huyện Cần Giờ.


4. Đối với các vật nuôi khác:


- Đối với đàn dê: Duy trì đàn dê ở mức 5.000 con đến năm 2025, tập trung tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.


- Đối với cá sấu: Duy trì tổng đàn khoảng 200.000 con đến năm 2020, tập trung tại quận 9, 12, Thủ Đức, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ.


- Đồng cỏ chăn nuôi: Tổng diện tích trồng cỏ chăn nuôi đến năm 2015 là 5.000 ha, năm 2020 là 4.160 ha và năm 2025 là 4.300 ha, tập trung tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.



* CÁC CHƯƠNG TRÌNH VÀ ĐỀ ÁN CHỦ YẾU


1. Quy hoạch:


Triển khai Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.

 

Triển khai Quy hoạch hệ thống các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015.


2. Chương trình, đề án liên quan:


Triển khai Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố.


Triển khai đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.


Chương trình giống cây trồng - vật nuôi chất lượng cao.


Chương trình xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia súc.


Chương trình cơ giới hóa trong chăn nuôi.


Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp - phát triển nông thôn tại thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.


Chương trình củng cố và phát triển kinh tế tập thể và trang trại.


Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025.


Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP).


Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm (CIDA).

 

Lam Điền