Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2554/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ Công tác và Tổ Giúp việc của Tổ Công tác tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Chương trình hành động “Vì một Cần Giờ xanh” | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2552/QĐ-UBND về thành lập Đoàn Kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2023 | y ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2549/QĐ-UBND về kiện toàn nhân sự Tổ Công tác tham mưu, xây dựng Tượng đài Thống Nhất và Tượng đài Nam bộ Kháng chiến. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2537/QĐ-UBND về điều chỉnh Quyết định số 4765/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2533/QĐ-UBND về việc công bố danh mục 03 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực lý lịch tư pháp thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2523/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 của Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2519/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu đánh giá, xếp loại doanh nghiệp năm 2024 đối với Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2517/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án Phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2511/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 của Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích huyện Cần Giờ. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2501/QĐ-UBND |

Nhiệm vụ thiết kế đô thị tỷ lệ 1/2000 và quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trục đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt

Ngày 03/8/2012, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 3976/QĐ-UBND về duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị tỷ lệ 1/2000 và quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trục đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt, cụ thể như sau:


* Vị trí: Khu vực nghiên cứu kéo dài từ Ngã ba Cát Lái, quận 2 đến điểm giao cắt Quốc lộ 1A với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, qua khu vực các quận 1,2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.


* Ranh giới và quy mô khu vực nghiên cứu:


- Ranh giới khu vực nghiên cứu: Trong phạm vi hành lang khoảng 150m -200m tính từ ranh lộ giới hai bên tuyến đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt (theo Bản đồ ranh giới nghiên cứu, phạm vi khu vực lập thiết kế đô thị tỷ lệ 1/2000 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc).


- Diện tích toàn khu vực nghiên cứu: 1.549,74 ha;


- Chiều dài tuyến: 24,92 km;


* Nội dung nghiên cứu:


1. Phân tích, đánh giá hiện trạng: Đồ án thiết kế đô thị cần tập trung phân tích, đánh giá kỹ điều kiện hiện trạng đô thị dọc tuyến đường bao gồm:


a) Về hiện trạng giao thông và hạ tầng kỹ thuật:


Phân tích hiện trạng mạng lưới giao thông trên toàn tuyến nhằm xác định tính chất, đặc điểm của tuyến đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt, đánh giá khả năng kết nối về giao thông và các phương tiện giao thông hiện tại. Trong đó bao gồm các phân tích về hệ thống giao thông và phân cấp các trục đường liên hệ hay giao cắt với tuyến đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt; khảo sát đánh giá hệ thống giao thông công cộng (giao thông thủy, bộ, sắt, tuyến tram way, tuyến xe buýt nhanh, tuyến Metro giao cắt Đại lộ và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác).


b) Về hiện trạng sử dụng đất:


Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất trên toàn tuyến nhằm xác định được thực trạng sử dụng đất, cơ cấu và đặc điểm sử dụng đất, xác định các khu vực đặc trưng của đô thị, quỹ đất và tiềm năng cho phát triển mới, nhằm đề xuất những nội dung điều chỉnh và các chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp.


c) Về hiện trạng công trình kiến trúc:


Khảo sát và xác định các thể loại công trình kiến trúc trong ranh đồ án thiết kế đô thị; đồng thời phân tích, đánh giá hiện trạng cũng như đặc điểm sử dụng công trình, xác định các công trình có giá trị, những tồn tại và bất cập của hiện trạng kiến trúc đô thị nhằm đề xuất các phương án phù hợp như giải tỏa, chỉnh trang, tôn tạo hoặc bảo tồn cũng như các quy định quản lý phù hợp đối với các công trình này trong đồ án.


d) Về hiện trạng không gian, cảnh quan đô thị:


Phân tích hệ thống không gian công cộng như công viên, quảng trường, đường phố, v.v.. các vị trí, đặc điểm, tính chất và chất lượng sử dụng của các không gian công cộng để đánh giá một cách tổng thể và chi tiết, xác định được tiềm năng, sự cần thiết hoặc không cần thiết cũng như sự phù hợp của các không gian công cộng cần đề xuất trong đồ án.


đ) Hiện trạng tiện ích và trang thiết bị đô thị:


Khảo sát hiện trạng về việc bố trí, sử dụng và đánh giá chất lượng cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu mới của các công trình tiện ích và trang thiết bị đô thị như nhà vệ sinh công cộng, chiếu sáng, biển báo, ghế đá, thùng rác, v.v…


2. Nghiên cứu kết nối quy hoạch và các dự án:


Đồ án thiết kế đô thị cần cập nhật các quy hoạch đã được duyệt có liên quan để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ, gắn kết hài hòa với các vùng đô thị lân cận, tránh các đề xuất chồng chéo, ảnh hưởng tiêu cực đến quy hoạch và định hướng phát triển không gian chung đã được duyệt. Các thông tin cập nhật, đối chiếu bao gồm:


- Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.


- Quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.


- Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và quy chế quản lý kiến trúc đô thị cấp 2 Khu trung tâm hiện hữu thành phố.


- Quy hoạch hệ thống giao thông thành phố.


- Quy hoạch chung các quận, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các phường.


- Các dự án đầu tư trong ranh đồ án về giao thông, hạ tầng, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và các công trình độc lập có quy mô lớn.


3. Đề xuất phân khu chức năng và tổ chức không gian đô thị:


Căn cứ vào kết quả phân tích, đánh giá hiện trạng, nghiên cứu kỹ các định hướng quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, đồ án thiết kế đô thị cần đề xuất các nội dung sau:


a) Về tổ chức giao thông:


Đồ án thiết kế đô thị đề xuất nguyên tắc tổ chức giao thông đô thị trên trục đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt theo những tiêu chí sau:


- Tăng cường giao thông công cộng:


+ Đề xuất các giải pháp quản lý phát triển, nhằm kết nối, tích hợp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, bao gồm các tuyến đường bộ, tuyến đường thủy (có phục vụ du lịch trên sông), tuyến giao thông vận chuyển hành khách công cộng tốc độ nhanh, số lượng người lớn (tuyến tramway, tuyến tàu điện ngầm, hoặc tuyến xe bus nhanh - BRT) và các tuyến đi bộ, các luồng di chuyển qua không gian mở đô thị trong khu vực nghiên cứu. Nghiên cứu đầu tư hệ thống xe buýt tốc độ cao (BRT) dọc theo trục đường, với cự ly bến dừng, bãi đậu xe hợp lý - có kết hợp với các Trung tâm thương mại dịch vụ, công trình công cộng và nhà ở cao tầng.


+ Kết nối với các điểm giao thông cấp thành phố và vùng lân cận.


- Kết nối không gian đô thị hai bên trục đường:


+ Nghiên cứu hợp lý các trục đường kết nối các khu dân cư hai bên đường.


+ Nghiên cứu xây dựng các cầu vượt dành cho người đi bộ, kết hợp với các khu chức năng hợp lý và bảo đảm cảnh quan đô thị.


- Giảm thiểu ảnh hưởng của các công trình xây dựng đối với giao thông dọc tuyến:


+ Đối với công trình công cộng, công trình thương mại, dịch vụ lớn, công trình đa chức năng cần có khoảng lùi lớn, tổ chức đường đi bộ, không gian mở, cây xanh thông thoáng. Lối vào công trình và bãi đậu xe cơ giới bố trí ở sau hoặc kế bên công trình.


+ Hạn chế xây dựng nhà phố tiếp cận trực tiếp trục đường.


b) Về phân khu chức năng:


Đề xuất nguyên tắc phân khu chức năng dọc trục đường như sau:


- Các khu nhà ở cao tầng được bố trí khu vực có quỹ đất lớn, dọc trục đường với khoảng lùi lớn và đảm bảo tiếp cận không ảnh hưởng đến giao thông xuyên suốt trên trục đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt.


- Khu phức hợp (ở, thương mại, văn phòng…) xung quanh các khu vực thuận lợi để phát triển giao thông công cộng và dịch vụ đậu xe,...


- Đối với những khu nhà ở hiện hữu có cấu trúc đô thị hoàn thiện, đồng bộ, kiến trúc, cảnh quan sẽ được cải tạo chỉnh trang.


- Khu vực có cảnh quan sông nước và đặc trưng văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy, tạo lập không gian mở, bổ sung cây xanh, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và sử dụng dễ dàng.


- Những khu vực đầu mối giao thông quan trọng, có thể tổ chức các không gian mở, kiến trúc điểm nhấn, cây xanh cảnh quan, tượng đài...


Trên cơ sở xác lập được các khu chức năng chính trên toàn tuyến, đồ án cần nghiên cứu đề xuất chức năng sử dụng đất cụ thể cho từng ô phố trong khu vực đó, đảm bảo phù hợp với đặc điểm tính chất tuyến đường, theo hướng phát triển nén, hiện đại, có tính khả thi cao.


c) Về tổ chức không gian cảnh quan đô thị:


Đồ án đề xuất tổ chức không gian đô thị dọc theo trục đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt theo hướng hình thành, phát triển đô thị hiện đại, hài hòa về cải tạo, chỉnh trang đô thị trên cơ sở di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm, chỉnh trang các khu dân cư chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, cấu trúc đô thị chưa hoàn thiện và phát triển các cụm công trình nhà ở kết hợp chức năng thương mại, dịch vụ, phát huy tốt lợi thế về giao thông, cải tạo không gian, cảnh quan và môi trường đô thị, cụ thể như sau:


- Về không gian đô thị:


+ Đề xuất phát triển các cụm công trình chung cư cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ tại các khu vực có quỹ đất chuyển đổi lớn thuận tiện về giao thông công cộng.


+ Đề xuất giữ lại và cải tạo nâng cấp một số khu dân cư hiện hữu có hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, mật độ xây dựng cao, cảnh quan và kiến trúc đô thị tương đối khang trang.


+ Đề xuất bảo tồn và phát huy những khu vực cảnh quan, các khu vực công trình có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa: tổ chức xác định vị trí, quy mô diện tích đất, phạm vi ảnh hưởng đối với các công trình có giá trị kiến trúc, có giá trị lịch sử và văn hóa (Trụ sở Ngân hàng, Sở Giao dịch chứng khoán, Bảo tàng Hồ Chí Minh, khu nhà cũ bột giặt NET và các Đình, Chùa, Miếu…), nghiên cứu đưa vào danh mục xếp hạng di tích và có quy chế bảo tồn cụ thể, phù hợp, khả thi. Đối với một số dãy nhà phố cổ còn lại tại quận 1, 5, 6, 8 cần có cơ chế chính sách quản lý, hoạt động, phù hợp, tạo thu nhập cho chủ sở hữu để không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân, theo hướng gắn với việc hình thành các tuyến du lịch gồm các cụm công trình có chức năng dịch vụ, du lịch và các công trình có giá trị kiến trúc lịch sử, văn hóa, bảo tồn dành cho khách tham quan.


- Về cảnh quan đô thị: là trục đường cửa ngõ đối ngoại hướng tâm quan trọng của thành phố, được định hướng thiết kế cảnh quan đô thị như sau:


+ Xác định chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng nền đường, cốt xây dựng vỉa hè cho tất cả các tuyến phố; xác định chỉ tiêu khống chế khoảng lùi công trình, cảnh quan đô thị.


+ Không gian mở công cộng được khuyến khích bố trí thành tuyến, mạng lưới, liên kết với không gian cảnh quan sông, rạch. Tăng cường sự kết nối, tiếp cận không gian và chức năng sử dụng của hệ thống không gian mở trên toàn tuyến với các khu vực trung tâm. Có khoảng cách ly an toàn trước khi tiếp cận với truyến đường và các trục giao thông có mật độ lưu thông cao.


+ Tạo lập trục đường cửa ngõ của thành phố đẹp, văn minh, hiện đại, đồng thời khai thác tối đa các yếu tố cảnh quan sông nước, các nút giao thông lớn, các khoảng cách ly cây xanh nhằm tăng không gian mở, cây xanh cho thành phố.


+ Cân nhắc bố trí các công trình kiến trúc tượng đài, kiến trúc điểm nhấn ở những vị trí quan trọng.


- Về chiều cao xây dựng:


+ Tổ chức chiều cao xây dựng giảm dần từ Trung tâm về phía ngoại thành, quy định tầng cao xây dựng theo mối tương quan chung với khu trung tâm thành phố. Tổ chức chiều cao xây dựng đô thị có định hướng tạo cảnh quan đô thị hài hòa, nhịp điệu rõ ràng, tuân thủ quy định về tĩnh không sân bay Tân Sơn Nhất theo Nghị định số 20/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về Quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.


+ Tổ chức các công trình cao tầng dọc theo trục đường, tại các khu vực thuận tiện về giao thông (khu phức hợp…), giảm dần chiều cao từ bên ngoài vào bên trong.


+ Tổ chức một số công trình cao tầng điểm nhấn có chọn lọc tại những vị trí quan trọng trong không gian đô thị.


+ Hạn chế chiều cao xây dựng xung quanh các công trình lịch sử và văn hóa quan trọng.


+ Hạn chế chiều cao xây dựng trong những khu dân cư hiện hữu chỉnh trang, khu biệt thự, khu công trình công cộng.


- Về mật độ xây dựng:


Quy định mật độ xây dựng cho từng khu vực theo hướng như sau:


+ Khu cao tầng: bố trí giảm mật độ xây dựng, tăng khoảng lùi với trục đường nhằm đảm bảo giảm tiếng ồn, tổ chức cây xanh cách ly, giảm ảnh hưởng giao thông tiếp cận, bố trí công trình theo tuyến đường cần kết nối với không gian mở, sông nước, hướng gió, giảm năng lượng, giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.


+ Khu dân cư hiện hữu chỉnh trang: mật độ xây dựng tuân thủ theo Quyết định số 135/2007/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2007 và Quyết định số 45/2009/QĐ-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Khuyến khích di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, bổ sung quỹ đất cây xanh và công trình công cộng.


d) Về kiến trúc đô thị:


- Đề xuất các loại hình kiến trúc phù hợp chức năng và ý tưởng tổ chức cảnh quan cho từng khu vực.


- Khu phức hợp, nhà ở cao tầng kết nối với giao thông công cộng, hiện đại, có khoảng lùi lớn, bố trí không gian đi bộ tầng trệt…


4. Phương án thiết kế đô thị chi tiết cho từng khu vực:


Đồ án cần đề xuất nội dung phương án thiết kế đô thị trên cơ sở đề xuất phân khu chức năng và tổ chức không gian đô thị ở mục 6.3 khoản 6, Điều 1 Quyết định này; cụ thể hóa nội dung cơ cấu chung ở tỷ lệ 1/2000 và trong phạm vi từng khu vực đã xác định.


5. Quy định quản lý theo đồ án thiết kế đô thị:


Xác định mục tiêu, đối tượng áp dụng để có những nội dung, thể thức phù hợp cho các đối tượng.


Nội dung quy định gồm 3 phần:


- Quy định quản lý cấu trúc và hình dáng đô thị cho toàn khu vực.


- Quy định thiết kế đô thị chung toàn tuyến, quản lý việc thiết kế, xây dựng và khai thác không gian kiến trúc, cảnh quan, cây xanh, trang thiết bị và tiện ích đô thị, các quy định thiết kế đô thị cho từng thể loại công trình kiến trúc (tầng cao, khoảng lùi, mật độ xây dựng, các quy định liên hệ với không gian đường phố).


- Hướng dẫn thiết kế đô thị theo đồ án cho từng khu vực đã xác định.

 

Nguyên Ngân