Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2720/QĐ-UBND về điều chỉnh Phiếu đăng ký và Thang điểm bình chọn sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2716/QĐ-UBND về công bố danh mục 02 thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực an toàn đập, hồ chứa thủy điện thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Công Thương. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2715/QĐ-UBND về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét bổ nhiệm và chuyển ngạch thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2714/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2709/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 của Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Quận Phú Nhuận | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2707/QĐ-UBND về việc công bố danh mục 02 thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Giao thông vận tải. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2706/QĐ-UBND về việc công bố danh mục 20 thủ tục hành chính lĩnh vực đường bộ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Giao thông vận tải | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2695/QĐ-UBND về việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban Tổ chức và các Tiểu ban giúp việc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2693/QĐ-UBND về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét công nhận sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng cấp Thành phố Hồ Chí Minh. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2681/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của quận Tân Bình |

Kế hoạch triển khai, tổ chức Tháng hành động Vì trẻ em năm 2013

Ngày 21/5/2013, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 2398/KH-UBND triển khai, tổ chức Tháng hành động Vì trẻ em năm 2013, cụ thể như sau:


* MỤC ĐÍCH


1. Thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, gia đình và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt được của công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng như phòng ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đến trẻ em trong tình hình mới.


2. Thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình; vận động xã hội góp sức tích cực hơn nhằm cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.


3. Tạo điều kiện để mọi trẻ em, đặc biệt trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có một mùa hè an toàn, lành mạnh. Hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, bị bóc lột sức lao động do thiếu sự quan tâm chăm sóc và giáo dục của gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng.


* CHỦ ĐỀ CỦA THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM NĂM 2013


“Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số”.


* THỜI GIAN THỰC HIỆN: Từ ngày 01 tháng 6 đến ngày 30 tháng 6 năm 2013.


* CÁC HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM


1. Tổ chức lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em:


Để tiết kiệm về mặt thời gian và kinh phí, nhưng vẫn đảm bảo được nội dung, ý nghĩa và sự quan tâm của toàn xã hội, lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em được kết hợp với lễ Khai mạc hè năm 2013 tại huyện Bình Chánh. Đối với các quận, huyện không tổ chức lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em thì tập trung triển khai các hoạt động trọng tâm trong tháng theo định hướng chung của thành phố và tính đặc thù của địa phương.


2. Rà soát việc thực thi các văn bản luật pháp, chính sách của Trung ương và thành phố:


Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu tổ chức rà soát việc thực thi các văn bản pháp luật, chính sách của Trung ương và của thành phố liên quan tới công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em của thành phố; tham mưu, đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có cơ hội bình đẳng tiếp cận các dịch vụ xã hội.


3. Tổ chức các sự kiện và các hoạt động truyền thông, vận động xã hội:


- Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, ngoài những nội dung tuyên truyền trong kế hoạch năm của thành phố về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong Tháng hành động Vì trẻ em cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm cơ bản như: Luật Bảo vệ - Chăm sóc và Giáo dục trẻ em; Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em; Thông tư số 23/2010/TT-LĐTBXH, ngày 06 tháng 8 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục; các quy định về phòng chống tai nạn thương tích đối với trẻ em (trong đó có tai nạn đuối nước).


- Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan lồng ghép vào các hoạt động “Năm Gia đình Việt Nam”, ngày Gia đình Việt Nam 28 tháng 6, tổ chức gặp mặt, biểu dương những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết vươn lên nuôi con tốt, dạy con ngoan và trở thành những gương điển hình của xã hội. Vận động hộ gia đình tham gia hưởng ứng thực hiện Sạch nhà, đẹp ngõ, bảo vệ môi trường. Phối hợp tăng cường sinh hoạt Câu lạc bộ Ông Bà Cháu.


- Giao Thành đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức các hoạt động lồng ghép nhân các ngày lễ như: Kỷ niệm 315 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, ngày Quốc tế thiếu nhi 01 tháng 6, Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 05 tháng 6… nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục thiếu niên, nhi đồng về truyền thống lịch sử, đạo đức lối sống của dân tộc nói chung và lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân và tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Gắn phong trào Thanh niên tình nguyện hè năm 2013, ngày Quốc tế thiếu nhi 01 tháng 6 với các hoạt động chăm lo cho trẻ em. Chỉ đạo các hệ thống Đoàn cơ sở tăng cường việc tổ chức các sân chơi cho các em với các chủ đề về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường…


- Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ vào đặc điểm, tình hình của địa phương và nội dung của kế hoạch để có các phân công chỉ đạo thực hiện.


Các khẩu hiệu tuyên truyền về Tháng hành động Vì trẻ em năm 2013:


- Tạo cơ hội cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số đến trường;


- Trẻ em - niềm hạnh phúc của mỗi gia đình;


- Tình nguyện vì trẻ em - vì hiện tại và tương lai;


- Đầu tư cho trẻ em để phát triển bền vững;


- Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động;


- Chung tay góp sức vì sự no ấm của trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc;


- Hướng tới một xã hội không có trẻ em nghèo khó và thất học;


- Vì tương lai của đất nước hãy chăm lo cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc.


4. Tổ chức các hoạt động chăm lo về vật chất, tinh thần:


Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ban ngành và đoàn thể thành phố triển khai tổ chức gặp gỡ, tìm hiểu nguyện vọng, thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố. Vận động các nguồn kinh phí để tổ chức thành công Hội trại dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Cần Giờ.


- Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức các sự kiện hoặc đợt vận động nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực, kinh phí để tặng quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ phẫu thuật, chỉnh hình cho trẻ em khuyết tật; triển khai các công trình dành cho trẻ em trên địa bàn.


5. Tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp cơ sở:


Đề nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện và phường, xã, thị trấn tùy vào đặc điểm tình hình và điều kiện của địa phương tổ chức Diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói trẻ em”. Thời gian tổ chức trong khoảng từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 3 tháng 6 năm 2013.


6. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho trẻ em:


Việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em được gắn chặt với việc thực hiện kế hoạch hè của thành phố, riêng trong Tháng hành động Vì trẻ em, tập trung vào một số hoạt động cơ bản cụ thể như sau:


- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tập trung kiểm tra, giám sát các công trình vui chơi giải trí đã được thành phố và quận, huyện đầu tư, xây dựng trong năm 2011 - 2012, đảm bảo các em được tiếp cận miễn phí các dịch vụ; các công trình được duy tu, sửa chữa và sử dụng đúng mục đích. Triển khai thực hiện phong trào tập thể dục buổi sáng, tổ chức các lớp phổ cập bơi, lớp năng khiếu thể thao hè; các hoạt động vui chơi giáo dục trẻ em nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật giao thông, tham quan tìm hiểu lịch sử Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh trong hệ thống bảo tàng, di tích thành phố.


- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tham mưu tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ em kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng, tránh rơi vào tệ nạn xã hội; các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bị bóc lột lao động; phòng tránh tai nạn thương tích (đặc biệt các tai nạn giao thông, đuối nước), tham gia giao thông an toàn, học bơi, sơ cứu người bị tai nạn, thương tích...


- Thành đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu tổ chức các tuần lễ chiếu phim lưu động miễn phí cho thiếu nhi ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn của thành phố; đẩy mạnh hoạt động rạp chiếu phim 3D miễn phí cho thiếu nhi ở các quận, huyện.


- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, chỉ đạo tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em trên địa bàn thông qua các trò chơi dân gian, các giải bóng đá, cầu lông, đá cầu, bóng bàn, bơi lội... nhằm thu hút và phát huy quyền tham gia của trẻ em, góp phần hạn chế trẻ em sa đà vào các trò chơi mang tính bạo lực, tham gia các vụ việc gây mất trật tự nơi công cộng và các tệ nạn xã hội khác. Tạo điều kiện để trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tham quan, du lịch, tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao. Tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục trẻ em gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; không sử dụng đồ chơi, chơi trò chơi phản văn hóa, bạo lực, có chất độc hại và không thân thiện với môi trường. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao giữa trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với các trẻ em khác để tăng cường sự tự tin, hỗ trợ các em hòa nhập cộng đồng. Vận động các đơn vị kinh doanh hoạt động du lịch, vui chơi giải trí trên địa bàn có chế độ ưu tiên, miễn, giảm phí cho trẻ là con em hộ gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; làm việc với các rạp chiếu phim bố trí thời gian chiếu ít nhất mỗi ngày một xuất miễn phí dành cho trẻ em trong Tháng hành động Vì trẻ em.


7. Kiểm tra giám sát và đánh giá tổng kết việc thực hiện Tháng hành động Vì trẻ em:


- Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; giám sát việc thực hiện Nghị định số 67/2007/NĐ-CP và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện chính sách trợ cấp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ về Quy định miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 tại các quận, huyện; phường, xã, thị trấn. Thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng lao động trẻ em nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi lạm dụng sức lao động trẻ em; phối hợp xử lý nghiêm minh các trường hợp ngược đãi, xâm hại, vi phạm quyền trẻ em.


- Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì kiểm tra các điểm giữ trẻ bất hợp pháp, nhóm nuôi trẻ em không đạt tiêu chuẩn; xử lý theo quy định pháp luật.

 

D&P