Kế hoạch tổ chức thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy
Ngày 09/8/2012, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 3937/KH-UBND tổ chức thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:
* Mục tiêu chung:
- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, các đoàn thể xã hội và các tầng lớp nhân dân về tác hại của ma túy, trên cơ sở đó phát huy vai trò của các ngành, đoàn thể, lực lượng quần chúng, huy động các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tham gia phòng, chống ma túy, làm trong sạch địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma túy; đồng thời nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, các đoàn thể để chủ động phòng ngừa, từng bước ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do ma túy gây ra nhằm tạo môi trường xã hội trong sạch lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
- Tập trung đầu tư nguồn lực cho phường, xã, thị trấn. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp: tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa nhằm hạn chế, tiến tới làm giảm phát sinh người nghiện mới và người tái nghiện; đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy; triệt phá cơ bản tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy; tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần kiềm chế, tiến tới giảm tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn phường, xã, thị trấn.
* Giải pháp
1. Giải pháp chính trị - xã hội:
- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống ma túy.
- Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy, nhất là Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới; Chương trình hành động số 49-Ctr/TU của Thành ủy về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị; Luật Phòng, chống ma túy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đưa nội dung, nhiệm vụ công tác phòng chống ma túy vào Nghị quyết nhiệm kỳ, định kỳ của Đảng, chương trình, kế hoạch hàng năm và dài hạn của Ủy ban nhân dân các cấp để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và là tiêu chí để đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội. Cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư.
- Tăng cường thực hiện chức năng giám sát công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy thông qua các đợt kiểm tra, giám sát tại cơ sở và báo cáo định kỳ về tình hình, kết quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
- Xã hội hóa công tác phòng, chống ma túy; tích cực đẩy mạnh hoạt động phối, kết hợp liên ngành, phát huy sức mạnh cộng đồng trong công tác phòng, chống ma túy.
- Chú trọng lồng ghép, phối hợp chương trình phòng, chống và kiểm soát ma túy với các chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS. Triển khai Chương trình phòng, chống và kiểm soát ma túy gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; kết hợp thực hiện nội dung xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.
- Nâng cao hiệu quả thực hiện các kế hoạch liên tịch giữa cơ quan nhà nước các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp; củng cố, hoàn thiện cơ chế, quan hệ phối hợp giữa các ngành với nhau và giữa các ngành với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn về phòng, chống và kiểm soát ma túy.
- Thành phố rà soát, cập nhật và xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng tham gia công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội nhất là vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên trong việc tổ chức các hoạt động chiều sâu ở cơ sở, nhất là hoạt động vận động toàn dân phát hiện, tố giác người vi phạm và phạm tội về ma túy.
2. Giải pháp về nâng cao năng lực quản lý:
- Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy cơ quan phòng, chống và kiểm soát ma túy từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao trách nhiệm chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp về chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống và kiểm soát ma túy ở địa phương; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác phòng, chống ma túy và lực lượng chuyên trách làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của Công an, Hải quan. Tăng cường biên chế và bố trí đủ lực lượng cảnh sát làm công tác phòng, chống tội phạm ma túy cho công an quận, huyện, chú trọng các phường, xã, thị trấn trọng điểm về tệ nạn ma túy; chuẩn hóa về tổ chức bộ máy, cán bộ ở các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động - Xã hội và các Trung tâm quản lý sau cai nghiện ma túy.
- Tăng cường và nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ thường trực phòng, chống ma túy của Ban Chỉ đạo các cấp, đội ngũ tình nguyện viên thông qua tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức về phòng, chống ma túy.
- Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về phòng, chống và kiểm soát ma túy. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ vào công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Nâng cao năng lực trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy các cấp đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong việc thu thập, quản lý, xử lý thông tin, thống kê và công bố số liệu, báo cáo về tình hình tệ nạn ma túy; xây dựng, thực hiện và quản lý các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về phòng, chống ma túy và huy động nguồn lực.
3. Giải pháp về thông tin tuyên truyền phòng, chống ma túy:
- Thực hiện xã hội hóa công tác tuyên truyền; phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống cơ quan thông tin, tuyên truyền, tổ chức chính trị, xã hội các cấp với công tác tuyên truyền; thường xuyên đổi mới nội dung, triển khai đồng bộ các loại hình thông tin tuyên truyền, duy trì, phát huy các loại hình tuyên truyền hiệu quả.
- Tăng cường tuyên truyền bề rộng, đẩy mạnh tuyên truyền chiều sâu, phát huy hiệu quả tuyên truyền bằng tiếp cận trực tiếp; chú trọng lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng, chống ma túy với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và du lịch.
- Tập trung tuyên truyền cho số người có nguy cơ mắc nghiện cao ở cộng đồng, học sinh trong trường học, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hàng, người đang cai nghiện trong các Trung tâm.
- Tăng cường công tác quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa giải trí, ngăn chặn không để phát sinh tệ nạn ma túy.
4. Giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện nhằm giảm cung và giảm cầu về ma túy:
- Triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an, trong đó, coi trọng biện pháp hoạt động phong trào quần chúng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; chú trọng công tác điều tra cơ bản nắm chắc tình hình, thường xuyên rà soát địa bàn, tăng cường lực lượng trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, tập trung triệt xóa các đường dây, ổ nhóm mua bán ma túy, kịp thời phát hiện và đấu tranh triệt xóa, giải quyết triệt để, dứt điểm các điểm, tụ điểm hoạt động tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn; ưu tiên đầu tư trang, thiết bị chuyên dùng hiện đại cho lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa lực lượng Công an và Hải quan, An ninh Hàng không, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển. Ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy xâm nhập vào thành phố; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan điều tra với cơ quan truy tố, xét xử tội phạm về ma túy, nhằm nâng cao hiệu quả công tác truy tố, xét xử nghiêm minh và thi hành án tội phạm ma túy, trong đó chú trọng và đẩy mạnh việc đưa các vụ án phạm tội về ma túy ra xét xử điểm, xét xử lưu động, thực hiện đầy đủ các hình phạt phụ và chế tài về tài sản.
- Tăng cường hiệu quả, nâng cao nhận thức về công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát tiền chất. Quy định trách nhiệm quản lý, kiểm tra, kiểm soát và cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, nhất là nhóm tiền chất có nguy cơ cao. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành chức năng trong quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm việc sản xuất, kinh doanh trái phép thuốc tân dược gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy, việc trồng các cây có chứa chất ma túy, tổ chức sử dụng ma túy trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện.
- Tiếp tục đa dạng hóa, xã hội hóa các hình thức, biện pháp cai nghiện, trong đó chú trọng biện pháp cai nghiện tập trung với triển khai nhân rộng hình thức cai nghiện và quản lý sau cai tại gia đình, cộng đồng theo quy định của pháp luật hiện hành. Mở rộng Đề án điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone nhằm giảm thiểu tác hại do ma túy gây ra. Tổ chức tổ công tác quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú, hạn chế thấp tỷ lệ tái nghiện. Hàng năm tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá hiệu quả một số mô hình quản lý cai nghiện và quản lý sau cai nghiện có hiệu quả để tiếp tục chỉ đạo triển khai nhân rộng.
5. Giải pháp về huy động nguồn lực:
- Huy động các nguồn lực cho Chiến lược phòng, chống và kiểm soát ma túy từ các nguồn Trung ương, địa phương, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố, bảo đảm đủ nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược. Thành phố tạo cơ chế, chính sách khuyến khích các quận, huyện, xã, phường, thị trấn, các tổ chức, các thành phần kinh tế và các cá nhân đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy.
- Tăng cường quản lý, giám sát và sử dụng có hiệu quả tất cả các nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy và kiểm soát ma túy; chủ động phân cấp quản lý ngân sách phục vụ công tác phòng, chống ma túy. Ngân sách thành phố phục vụ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, các chương trình, dự án của thành phố; Ngân sách huy động của quận, huyện, xã, phường, thị trấn phục vụ nhiệm vụ mục tiêu và các hoạt động phòng, chống ma túy của địa phương. Điều hành và sử dụng có hiệu quả nguồn Quỹ phòng, chống ma túy.
- Các Sở-ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn chú trọng việc lồng ghép thực hiện Chiến lược vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác; các địa phương chủ động huy động và bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội hóa phòng, chống ma túy.
6. Giải pháp về pháp luật, chế độ chính sách:
- Tiếp tục rà soát và kiến nghị bổ sung, sửa đổi những nội dung không phù hợp trong quá trình thực hiện Luật phòng, chống ma túy và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
- Chính quyền thành phố xây dựng chế độ, chính sách đặc thù cho cán bộ và người làm công tác phòng, chống ma túy và chính sách động viên, khen thưởng đối với những người phát hiện và tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy. Bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ cho người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện và tạo việc làm sau khi hoàn thành cai nghiện; rà soát, cập nhật và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp nhận người nghiện ma túy, người sau cai nghiện vào làm việc.
7. Giải pháp về hợp tác quốc tế, hợp tác liên tỉnh:
- Thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và nghĩa vụ quốc tế trong phòng, chống và kiểm soát ma túy.
- Tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh trên mọi phương diện trong công tác đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Nguyên Ngân
- Điều chỉnh mức phụ cấp, trợ cấp, mức hỗ trợ và đối tượng thuộc diện xét hưởng ...(13/08/2012)
- Hội chợ quốc tế nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm (13/08/2012)
- Đơn giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ trong Dự án xây dựng mở rộng trường ...(13/08/2012)
- Đơn giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ trong Dự án xây dựng kênh chính Đức ...(13/08/2012)
- Đơn giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ trong Dự án xây dựng mở rộng Trường ...(13/08/2012)
- Bổ sung đơn giá đất ở và điều chỉnh đơn giá đất trung bình khu vực, đơn giá ...(13/08/2012)
- Bổ sung đơn giá đất ở để tính bồi thường, hỗ trợ trong dự án thoát nước khu ...(13/08/2012)
- Quy chế tổ chức và hoạt động của Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ ...(09/08/2012)
- Điều chỉnh danh mục các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè ...(09/08/2012)
- Kế hoạch sơ kết 3 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước(09/08/2012)