Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020”
Ngày 16/7/2012, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 3639/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020”, cụ thể như sau:
1. Mục tiêu:
Cùng với dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm sản xuất nông nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp) phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất nhằm mang lại năng suất lao động cao hơn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, nâng dần đời sống của lao động nông thôn, dạy nghề lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp nhằm các mục tiêu:
1.1. Giúp lao động nông thôn trong diện không còn tham gia sản xuất nông nghiệp có được tay nghề căn bản phù hợp với tình hình phát triển ngành nghề tại địa phương trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động gắn với quá trình đô thị hóa khu vực nông thôn; trên cơ sở đó, người lao động có thể vào làm việc tại các doanh nghiệp (tại địa bàn hoặc vùng lân cận), tự tổ chức việc làm, hợp tác tổ chức việc làm phù hợp với điều kiện và xu hướng phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
1.2. Gắn với chương trình xây dựng xã nông thôn mới, góp phần tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn; đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tiêu chí quy định (đến 2015: 70% lao động đang làm việc qua đào tạo; đến 2020: 90% lao động đang làm việc qua đào tạo).
2. Định hướng lao động nông thôn chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp
Theo số liệu điều tra dân số cập nhật năm 2011, lao động trong độ tuổi (Nam: 15 - 60 tuổi; Nữ: 15 - 55 tuổi): 631.800 người; (trên tổng số 322.000 hộ); lao động qua đào tạo 221.800 người.
Nếu trừ số lao động là nội trợ trong hộ và số không có nhu cầu, điều kiện học nghề (sức khỏe, lao động phổ thông không cần qua đào tạo,…) khoảng 107.000 người (ước 1/3 số hộ), số lao động thực khoảng 524.800 người (Số cố định tại thời điểm lập đề án) thì mục tiêu 70% lao động đang làm việc được qua đào tạo vào năm 2015 tương ứng 367.300 người. Do đó cần đào tạo thêm 145.500 người lao động, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp: 21.000 người và phi nông nghiệp: 124.500 người (trong 4 năm 2012 - 2015). Trừ số lao động 15 - 19 tuổi đi học phổ thông (khoảng 10%), bình quân mỗi năm cần đào tạo khoảng 28.000 lao động lĩnh vực phi nông nghiệp. Đến năm 2020, để tỷ lệ lao động đang làm việc được qua đào tạo đạt 90%, từ 2016 - 2020 mỗi năm phải đào tạo thêm khoảng 20.000 lao động.
3. Nội dung - Nhiệm vụ:
3.1. Đối tượng:
Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động: Nam từ 15 - 60 tuổi, Nữ từ 15 - 55 tuổi (tính đến năm tổ chức dạy nghề) có nhu cầu học nghề và tìm việc làm, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học; ưu tiên quan tâm người diện chính sách ưu đãi. Trong đó cần tập trung :
- Số lao động từ 16-35 tuổi không học tiếp hoặc không còn học phổ thông (đây là số lao động còn điều kiện chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp: công nghiệp, thương mại, dịch vụ).
- Số lao động còn lại (nếu không sản xuất nông nghiệp) nên theo hướng tiểu, thủ công nghiệp để có thể tự tổ chức hoặc hợp tác tổ chức việc làm theo hoàn cảnh và điều kiện sống tại địa bàn.
3.2. Địa bàn áp dụng:
- Tại 05 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ (Gồm 58 xã , thị trấn). Trong đó chọn huyện Nhà Bè làm điểm.
- Xã điểm: Xã đang thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới: xã Tân Thông Hội, xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) ; xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè); xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh); xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn); xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).
3.3. Trình độ đào tạo:
- Đối với lao động đủ trình độ văn hóa theo yêu cầu và còn điều kiện học tại trường chính quy, khuyến khích học các trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp.
- Đối với lao động khác: khuyến khích học trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề thường xuyên (chương trình không chính quy); chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật ngắn ngày.
3.4. Nghề đào tạo:
- Hướng theo nhu cầu doanh nghiệp tại địa phương, khu vực lân cận.
- Các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ truyền thống, các nghề có cơ hội phát triển tại địa phương.
3.5. Đơn vị đào tạo:
- Trường nghề chính quy tại địa bàn và hệ thống trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp của thành phố: Đối với lao động còn điều kiện theo học trường chính quy.
- Trung tâm dạy nghề và các cơ sở dạy nghề tại địa bàn: Đối với lao động không có điều kiện theo học chương trình chính quy.
- Các đơn vị có chuyên môn khác, đang hoạt động hợp pháp, phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động.
3.6. Phương thức đào tạo:
a. Tập trung:
Đối với đào tạo chính quy trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp và một số nghề trình độ sơ cấp nghề.
b. Vừa làm, vừa học:
Dạy nghề thường xuyên không chính quy: Đối với các nghề trình độ sơ cấp có yêu cầu kỹ thuật không quá cao, có thể phân phối thời gian học linh động nhưng vẫn bảo đảm nội dung đào tạo; các nghề dạy theo chương trình dạy nghề thường xuyên chương trình không chính quy; các hình thức chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật tại nơi sản xuất. Thời gian và địa điểm học được sắp xếp linh hoạt theo điều kiện người học nhưng phải bảo đảm kết quả đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn.
4. Giải pháp chủ yếu:
4.1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội, của cán bộ các cấp, nhất là cấp xã và người lao động về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.
4.2. Tăng cường công tác tuyên truyền: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; qua sinh hoạt các đoàn thể, các buổi họp tổ nhân dân, tổ dân phố; qua tư vấn của đơn vị dạy nghề; in và phát hành tài liệu tuyên truyền phù hợp với người lao động.
4.3. Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, trong đó làm tốt nhiệm vụ nâng số lượng và chất lượng cơ sở vật chất, thiết bị và hiệu quả đào tạo các trường, trung tâm dạy nghề ở các huyện; Huy động các cơ sở giáo dục đào tạo; các viện nghiên cứu; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm khuyến nông, lâm, ngư; trang trại; nông trường; lâm trường; doanh nghiệp; hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ... có đủ điều kiện dạy nghề cho lao động nông thôn được tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn bằng nguồn kinh phí quy định trong Đề án này và được cung cấp chương trình, giáo trình, học liệu và bồi dưỡng giáo viên dạy nghề. Ngoài ra, tận dụng các chương trình hỗ trợ của các đoàn thể để tăng cường đào tạo nghề theo đối tượng của Đoàn thể.
4.4. Tổ chức các lớp học phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của người lao động.
Các cơ sở đào tạo chủ động phối hợp với huyện, xã, thị trấn, các đoàn thể tổ chức giới thiệu chương trình, khóa học và chiêu sinh tại ấp, tổ nhân dân. Phối hợp các doanh nghiệp để thông tin về nhu cầu tuyển dụng; trên cơ sở đó chiêu sinh đào tạo và cung ứng lao động cho doanh nghiệp.
4.5. Xây dựng các phương thức đào tạo phù hợp và đổi mới phương pháp đào tạo:
- Các cơ sở đào tạo có kế hoạch và thường xuyên tiếp cận yêu cầu về kỹ năng, tay nghề kỹ thuật của thực tế sản xuất dịch vụ để rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo, làm cho kết quả đào tạo ngày càng thích ứng với thực tế;
- Xây dựng chương trình dạy nghề theo phương pháp phân tích nghề; dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình khung, dạy nghề theo mô đun; đặc biệt coi trọng thực hành.
- Thông qua tạo lập mối liên kết thường xuyên giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trên tinh thần hợp tác phát triển, đôi bên cùng có lợi, gắn chương trình đào tạo với thực tế phát triển kỹ thuật công nghệ của sản xuất kinh doanh; khai thác năng lực về thiết bị kỹ thuật, quy trình công nghệ của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tương thích giữa đào tạo và sử dụng tay nghề. Tăng cường thời gian đi thực tế, thực tập tại doanh nghiệp;
- Đa dạng phương thức đào tạo: Ngoài hình thức đào tạo tập trung theo kế hoạch (Đào tạo tại trường theo chương trình chính quy) cần phát triển nhiều hình thức đào tạo:
+ Đào tạo tại chức đối với công nhân, người lao động đang làm việc, muốn nâng cao tay nghề, muốn học thêm nghề hoặc nâng cao khả năng nghề nghiệp, chuyển giao công nghệ;
+ Đào tạo tại xí nghiệp đối với công nhân do xí nghiệp tuyển vào, tổ chức đào tạo và sử dụng;
+ Đào tạo có địa chỉ: Cơ sở đào tạo tuyển sinh đào tạo và cung cấp lao động theo “đơn đặt hàng” (theo yêu cầu và nhu cầu) của các doanh nghiệp. Xem đây là phương thức cơ bản để nâng cao hiệu quả đào tạo;
4.6. Tổ chức ôn luyện, kiểm tra và cấp giấy công nhận tay nghề đối với lao động đã có tay nghề căn bản, có khả năng và đang lao động phù hợp với ngành nghề.
4.7. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý. Trong đó đối với trung tâm dạy nghề, mỗi nghề tối thiểu có 01 giáo viên cơ hữu; mỗi huyện có 01 biên chế chuyên trách về công tác dạy nghề thuộc phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
4.8. Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề.
4.9. Cải tiến và tăng cường hiệu quả công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông, giúp học sinh định hướng và chọn lựa con đường học tiếp phù hợp với khả năng, điều kiện, hoàn cảnh gia đình và bản thân, phù hợp nhu cầu xã hội.
4.10. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ.
5. Chính sách:
5.1. Về chính sách đối với người học:
a. Chính sách hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng:
- Mức hỗ trợ từ 2 triệu, 2,5 triệu và 3 triệu đồng/người/khóa học tùy theo nhóm đối tượng (Quy định tại Quyết định 1956/QĐ-TTg).
- Người hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ thêm tiền ăn 15.000đồng/ngày thực học và tiền đi lại không quá 200.000 đồng/khóa đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
b. Đối với người học nghề trình độ Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố chấp thuận mức hỗ trợ như mức trung bình đối với học nghề sơ cấp (2,5 triệu đồng/người/khóa học).
c. Thực hiện kịp thời chế độ miễn, giảm học phí theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngàt 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ.
d. Đối với lao động tạm trú dài hạn (KT3), Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố để có chế độ hỗ trợ học phí.
e. Chính sách học nghề nội trú : Bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú là lao động nông thôn người dân tộc thiểu số thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo học các khóa học trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề.
g. Chính sách tín dụng:
Người học được vay tiền để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên và nếu làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề.
Sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.
h. Những người đã được hỗ trợ học nghề nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm theo chính sách của Đề án này nhưng tối đa không quá 03 lần.
5.2. Về chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý và người dạy nghề
Giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề thường xuyên phải xuống xã, ấp thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để dạy nghề với thời gian từ 15 ngày trở lên trong tháng được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu chung.
Ngoài giáo viên dạy nghề theo tiêu chuẩn quy định, huy động thêm người dạy nghề cho lao động nông thôn thuộc nhóm đối tượng: tiến sỹ khoa học, tiến sỹ trong lĩnh vực nông nghiệp, nghệ nhân cấp tỉnh trở lên (được trả tiền công giảng dạy với mức tối thiểu 300.000đồng/buổi); cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, nông dân sản xuất giỏi (được trả tiền công giảng dạy với mức tối thiểu 25.000đồng/giờ).
5.3. Chính sách đối với cơ sở dạy nghề
Tăng mức hỗ trợ đầu tư cho các trường nghề, trung tâm dạy nghề cấp huyện từ ngân sách Trung ương và thành phố
Tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trường và trung tâm dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô và chất lượng đào tạo. Nâng cấp Trung tâm dạy nghề huyện thành Trường Trung cấp nghề.
5.4. Các chính sách quy định trong Đề án này sẽ được điều chỉnh theo hướng dẫn của Trung ương để phù hợp với sự biến động của giá cả và biến động kinh tế- xã hội hàng năm và từng thời kỳ.
Nguyên Ngân
- Chuyển Ban Quản lý dự án (PMU) vệ sinh môi trường thành phố Hồ Chí Minh lưu ...(27/07/2012)
- Chỉ thị về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách ...(23/07/2012)
- Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Dân tộc (23/07/2012)
- Bổ sung, điều chỉnh đơn giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ trong dự án Trung ...(23/07/2012)
- Đơn giá đất ở trung bình để tính hỗ trợ đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong ...(23/07/2012)
- Điều chỉnh đơn giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ trong dự án đầu tư xây dựng ...(23/07/2012)
- Bổ sung, điều chỉnh đơn giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ trong dự án đầu tư ...(23/07/2012)
- Đơn giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ trong dự án xây dựng mở rộng Trường ...(23/07/2012)
- Hội thảo “Cập nhật các khuyến cáo rối loạn lipid máu”(23/07/2012)
- Hội thảo “Vai trò của nhịp tim trong chuỗi bệnh lý tim mạch”(23/07/2012)