Chỉ thị về tăng cường các biện pháp phòng trừ rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa năm 2012
Ngày 13/3/2012, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng trừ rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa năm 2012 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:
1. Ban Chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá cấp thành phố:
Theo dõi, kiểm tra, nắm chắc diễn biến tình hình dịch hại, tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo việc phòng trừ rầy nâu và bệnh hại lúa an toàn, hiệu quả.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
2.1. Thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến rầy nâu - bệnh hại lúa tại thành phố, trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, kịp thời ứng phó với dịch rầy nâu và bệnh hại lúa trong năm 2012.
2.2. Chỉ đạo Chi Cục Bảo vệ thực vật thường xuyên tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch rầy nâu, bệnh hại lúa như:
- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc tình hình rầy nâu và bệnh hại lúa trên địa bàn thành phố, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ để dự tính, dự báo chính xác khả năng phát sinh gây hại của rầy nâu và bệnh hại lúa nhằm đề ra các biện pháp phòng, chống hiệu quả.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trị rầy nâu và bệnh hại lúa, lưu ý gieo sạ tập trung né rầy, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng loại thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời điểm; áp dụng “ba giảm, ba tăng”: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế, “một phải, năm giảm”: phải sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng nước vừa đủ, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát sau thu hoạch.
- Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp sinh học trong quản lý dịch hại, nhân rộng mô hình sử dụng nấm Metarhizium anisopliea trong phòng trừ rầy nâu.
- Chuẩn bị vật tư, phương tiện phòng chống dịch; phân công cán bộ tăng cường công tác ở cơ sở để giám sát chặt chẽ tình hình và diễn biến của các đối tượng dịch hại nguy hiểm trên đồng ruộng, đặc biệt là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và các loài sâu bệnh hại khác, hướng dẫn nông dân phát hiện và xử lý kịp thời, không để rầy nâu, bệnh hại lúa bột phát thành dịch.
- Phối hợp với Chi Cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
2.3. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông:
- Phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, giống lúa kháng rầy.
- Tập huấn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa có hiệu quả như: Sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả…
- Lồng ghép tuyên truyền công tác phòng trừ rầy nâu, bệnh hại lúa trong các buổi hội thảo, tập huấn cho nông dân.
2.4. Chỉ đạo Chi Cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão theo dõi tình hình thời tiết, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn để thông báo, hướng dẫn cho nông dân và có kế hoạch điều tiết nước kịp thời; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất; phối hợp với chính quyền địa phương thông báo kịp thời lịch cung cấp nước để nông dân biết và sử dụng nước hợp lý theo đúng nhu cầu, đảm bảo hiệu quả sản xuất.
3. Sở Tài chính:
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kinh phí phòng, chống rầy nâu và bệnh hại lúa năm 2012.
- Hướng dẫn các sở, ngành, quận, huyện lập dự toán kinh phí phòng, chống rầy nâu và bệnh hại lúa; bố trí kinh phí kịp thời, tổ chức thực hiện cấp phát, thanh quyết toán và kiểm tra việc thực hiện kinh phí, đảm bảo các yêu cầu công tác hoạt động phòng, chống rầy nâu và bệnh hại lúa theo kế hoạch đã được phê duyệt.
4. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan, huy động Phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền qua băng rôn, áp phích tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về các chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, vận động nông dân chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng có giá trị kinh tế cao.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân quận, huyện để thông tin kịp thời tình hình hạn hán, dịch bệnh và các biện pháp phòng trừ.
5. Sở Công Thương:
Chỉ đạo Chi Cục Quản lý thị trường phối hợp với Chi Cục Bảo vệ thực vật, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường lực lượng kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và vật tư nông nghiệp khác. Xử phạt nghiêm các trường hợp tăng giá sản phẩm; thuốc, phân bón ngoài danh mục; hàng giả, kém chất lượng…
6. Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành Đoàn thành phố:
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân quán triệt và thực hiện tốt công tác phòng, chống rầy nâu và bệnh hại lúa.
7. Ủy ban nhân dân các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và các quận 2, 9, Bình Tân:
- Khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, giống lúa kháng rầy, đồng thời hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.
- Chỉ đạo gieo sạ tập trung né rầy, kiên quyết ngăn chặn tình trạng xuống giống rải rác, không theo thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
- Chỉ đạo các phường, xã, thị trấn và các đơn vị liên quan phối hợp với ngành nông nghiệp (Bảo vệ thực vật, Khuyến nông) vận động nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện và xử lý rầy khi có mật số cao, đặc biệt là đối với lúa trên 40 ngày tuổi.
- Chỉ đạo Đài Truyền thanh quận, huyện, phường, xã, thị trấn tăng thời lượng phát sóng nhằm cung cấp thông tin cho nông dân về chọn giống xác nhận, giống kháng rầy, lịch gieo sạ tập trung né rầy phù hợp theo từng mùa vụ, diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng và các biện pháp phòng trị rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và các sâu bệnh khác theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có sản xuất lúa phối hợp với các đoàn thể, ngành nông nghiệp tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi diện tích lúa có năng suất thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Lam Điền
- Chỉ thị về tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng ...(15/03/2012)
- Hội thảo “Chiến lược điều trị Hen tối ưu: cố định hay thay đổi”(15/03/2012)
- Hội nghị triển lãm xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Hiệp hội doanh nghiệp ...(15/03/2012)
- Hội thảo hợp tác Việt - Bỉ trong nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp(15/03/2012)
- Chương trình biểu diễn Đoàn Nghệ thuật múa Ấn Độ(15/03/2012)
- Hội thảo “Tình hình đề kháng kháng sinh tại Việt Nam và gánh nặng”(15/03/2012)
- Chương trình “Hòa nhạc Thành phố kết nghĩa Thành phố Hồ Chí Minh - Manila” (15/03/2012)
- Bổ sung đơn giá đất ở để tính bồi thường, hỗ trợ trong dự án mở rộng Xa lộ Hà ...(15/03/2012)
- Lễ phát động tuần lễ quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống ...(14/03/2012)
- Hội thảo khoa học với chuyên đề “Hô hấp nhi khoa”(14/03/2012)